Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Nhận biết một số bệnh da do virut

Ở những nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như nước ta, các bệnh ngoài da phát triển mạnh và là nỗi lo lắng của nhiều người, vì ngoài việc gây các khó chịu, đau đớn, còn ảnh hưởng thẩm mỹ. Bài viết này cung cấp thông tin về một số bệnh trên da do nguyên nhân virut, tổn thương rất đặc trưng và là dạng bệnh dễ lây truyền.
Bệnh Zona (giời leo)
Bệnh Zona là kết quả của sự tái hoạt động của virut Herpes zoster (varicella-zoster virus hoặc VZV). Virut này cũng chính là tác nhân gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em. Virut thủy đậu trú ngụ trong cơ thể ở trạng thái ngủ bên trong các dây thần kinh cảm giác. Sau đó, virut sẽ đi dọc theo dây thần kinh cảm giác vào da và tạo ra những mảng phát ban gây đau thường gọi là bệnh Zona.
Nhận biết một số bệnh da do virut
Tổn thương do zona thần kinh.
Triệu chứng đầu tiên của Zona thường là tăng cảm giác da hoặc cảm giác đau ở một phía của cơ thể. Những cảm giác da có thể gặp là ngứa, căng, bỏng, nhức dai dẳng hoặc đau sâu, đau nhói. Thông thường thì sau khi cơn đau xuất hiện được 1-3 ngày các dải ban sẽ nổi lên, tấy đỏ, phồng lên ở ngay vị trí đau. Sau đó nó sẽ tụ mủ và đóng vảy trong 10-12 ngày. 2-3 tuần sau, ban sẽ biến mất, vảy rơi và có thể để lại sẹo nếu tổn thương bị bội nhiễm.
Trước hoặc cùng với tổn thương da, thường nổi hạch sớm, đau ở vùng tương ứng. Hạch là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán. Rối loạn cảm giác rất thường gặp. Biểu hiện: đau dây thần kinh từng cơn lan tỏa hoặc thành “điểm đau nhói” dai dẳng, cảm giác rát, nóng, khu trú ở vùng đau sau Zona. Ở người cao tuổi, đau sau Zona thường dữ dội và khá dai dẳng.
Bệnh Ecpet (bệnh Herpes - mụn rộp)
Bệnh do virut Herpes simplex gây ra. Virut Herpes simplex có 2 nhóm. Herpes simplex nhóm II gây mụn rộp bộ phận sinh dục, nhóm I gây ra mụn rộp môi. Khoảng 80% dân số nhiễm virut này, nhưng bình thường chúng nằm yên trong cơ thể, chỉ có khoảng 25% phát bệnh, khi có điều kiện thuận lợi. Mỗi đợt bệnh kéo dài 1-3 tuần, tùy người một năm tái phát 1-2 lần, cũng có khi 5-6 lần. Dấu hiệu dễ thấy là bị ngứa, nóng, rát, đỏ da, có cảm giác lăn tăn ở môi, miệng, má, cằm, mũi hoặc ở cơ quan sinh dục, sau đó xuất hiện những mụn nước nhỏ li ti, tập trung thành từng đám. Những mụn này chứa đầy dịch, khi bị vỡ, dịch chảy ra ngoài làm lây bệnh. Đường lây do tiếp xúc, chủ yếu qua môi (hôn, dùng chung khăn mặt) hoặc do lây truyền qua đường tình dục.
Trường hợp sức đề kháng yếu hoặc bị các bệnh làm suy giảm miễn dịch, bệnh thường nặng (lan rộng, kéo dài, có biến chứng). Còn lại đa số trường hợp khác, bệnh thường nhẹ, có thể tự khỏi trong vài tuần.
Bệnh hạt cơm (Verrues)
Hạt cơm là bệnh da thường gặp do virut HPV (Human Papilloma Virus) gây nên. Bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Hạt cơm có hai loại là hạt cơm thường và hạt cơm phẳng.
Hạt cơm thường: Do HPV týp 2 gây nên. Thương tổn là tổn thương sùi ra ngoài bề mặt hình bán cầu hoặc dẹt đường kính từ vài mm đến 1- 2cm, ở trung tâm có thể lõm xuống. Bề mặt hạt cơm tăng gai, thậm chí tạo thành rãnh, thành khía. Quanh các đám dầy sừng lại có những đám dầy sừng kế cận tạo thành như miệng giếng. Số lượng thay đổi từ một vài cái đến vài chục cái, đôi khi tập hợp lại. Vị trí hay gặp ở mu tay và các ngón, ít gặp ở lòng bàn tay. Hạt cơm ở tay được gây ra bởi HPV2 và HPV1 (13%). Hiếm gặp hơn là những tổn thương sùi ở trong hoặc ra ngoài, kết hợp với HPV4 hoặc HPV7.
Hạt cơm phẳng: Do HPV týp 3,10 gây nên. Tổn thương là những sẩn nhỏ hiếm khi nổi cao, màu vàng hoặc màu vàng nhạt, bề mặt bóng, mảnh, thường tập trung thành dải (do khi bệnh nhân gãi hạt cơm có thể mọc theo vết xước gọi là hiện tượng Kobner) hoặc tạo thành mảng, cảm giác thường hơi ngứa. Vị trí ưu thế ở mặt mu tay, ngón tay, cánh tay, đầu gối và mặt trước cẳng chân. Thường gặp ở người suy giảm miễn dịch, thương tổn nổi cao hoặc kích thước lớn. Nó tồn tại dai dẳng nhiều tháng hoặc nhiều năm, có thể có dấu hiệu viêm ở xung quanh hoặc có vòng giảm sắc tố.
Bệnh sùi mào gà vùng sinh dục - hậu môn
Sùi mào gà còn gọi là bệnh mụn cóc sinh dục, đó là bệnh sùi bộ phận sinh dục do Human Papilloma Virus (HPV) thuộc nhóm papova gây nên. Tổn thương là các mụn có nhiều gai nhỏ giống như mào gà, chai cứng gây ngứa, thỉnh thoảng có chảy máu, sần sùi như da cóc nên gọi là mụn cóc, khi các mụn này ở bộ phận sinh dục thì gọi là mụn cóc sinh dục. Tỷ lệ bệnh nhân bị mụn cóc sinh dục tăng rất nhanh trong những năm gần đây.
Sùi mào gà lây truyền qua quan hệ tình dục khi giao hợp không được bảo vệ, theo mọi hình thức, đặc biệt hình thức dương vật - hậu môn. Mọi biểu mô của tổn thương sùi bong ra đều có chứa HPV, do vậy sùi mào gà còn có thể lây truyền dễ dàng do tiếp xúc trực tiếp ở những nơi có tổn thương. Thời gian ủ bệnh của sùi mào gà khoảng 1- 6 tháng. Sùi mào gà tiến triển mạn tính, nhiều tháng đến nhiều năm, các triệu chứng không hề giảm đi mà trái lại ngày càng tăng nếu không được điều trị. Thỉnh thoảng có những đợt bội nhiễm gây loét, chảy máu.
Các biến chứng thường gặp của sùi mào gà là nhiễm khuẩn, chảy máu, cản trở giao hợp hoặc cản trở thai sổ trong khi sinh. Biến chứng lâu dài của sùi mào gà là ung thư âm hộ, âm đạo, cổ tử cung.
Lời khuyên của thầy thuốc

Khi thấy biểu hiện khác lạ trên da, người bệnh cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu hoặc truyền nhiễm, không được tự mua thuốc điều trị để tránh các biến chứng. Đối với các bệnh ngoài da do nhiễm virut gặp rất nhiều khó khăn trong điều trị. Có rất ít sự lựa chọn thuốc kháng virut để điều trị, bệnh nhân thường được duy trì cân bằng dịch để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và bôi thuốc làm dịu da tại chỗ, giảm các triệu chứng của bệnh. Vì vậy, phòng bệnh vẫn là vấn đề phải lưu ý hàng đầu. Thực hiện các biện pháp vệ sinh thân thể và môi trường sống sạch sẽ. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Người lành, nhất là trẻ em nên hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết. Không được chọc vỡ các mụn nước, bọng nước trên da bệnh nhân vì rất dễ lây lan. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ các chỉ định của thầy thuốc để không lây lan sang người khác.

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Khắc phục những vết rạn da

Rạn da là những vết rạn nhỏ của vùng da mỏng và yếu, xảy ra khi da giãn không đủ để thích nghi với sự thay đổi của cơ thể. Vết rạn da có thể là kết quả của thời kỳ mang thai, thời kỳ tăng trưởng của tuổi vị thành niên, tăng cân nhanh quá mức.
Những nguyên nhân gây rạn da
Mặc dù chưa rõ hoàn toàn về nguyên nhân để phát triển thành những vết rạn da, nó được cho là do một sự thay đổi bất thường trong tế bào cơ bản của da. Trong giai đoạn đầu, những vết rạn da xuất hiện dần dần từ màu hồng chuyển sang màu đỏ, và theo thời gian phát triển sẽ có ánh tím nhẹ và cuối cùng thành màu trắng và hình thành những vết nhăn mỏng.
Khắc phục những vết rạn da
Rạn da hay gặp ở nữ giới. Người mang thai đến tháng thứ 4 có thể xuất hiện vết rạn da, nhưng thông thường là vào tháng thứ 6-7. Vết rạn thường xuất hiện ở bụng, háng, đùi và vú. Người ta cho rằng đó là do da bụng căng quá mức làm đứt các sợi đàn hồi của da.
Một số thanh niên, thiếu nữ dậy thì khi da giãn không kịp để thích nghi với sự thay đổi của trọng lượng cũng bị rạn da. Hormon cũng có vai trò trong việc gây ra vết rạn. Những thay đổi về hormon trong thời kỳ dậy thì (và cả trong thời kỳ thai nghén) đã làm hạn chế tính đàn hồi của da làm rạn da mạnh. Rạn da có yếu tố di truyền, nếu người mẹ bị thì con gái cũng hay bị. Vị trí rạn da hay gặp ở bụng, đùi, bẹn, hông, vú, mông, đầu gối, bắp chân, khuỷu tay, thắt lưng.
Việc bôi các loại mỡ corticoid (như cortibion, flucicort, flucinar...) dài ngày cũng có thể gây tai biến rạn da. Nếu bôi với diện rộng, thuốc có thể gây rạn da một vùng rộng, đặc biệt là khi băng bịt các thuốc này, hoặc khi bôi ở vùng nếp gấp. Trong trường hợp này, nên ngừng ngay việc bôi thuốc.
Làm sao khắc phục?

Rất khó để xóa hẳn các vết rạn trên da vì không có cách nào phục hồi lại các sợi collagen và elastin khi nó đã bị đứt gãy. Tuy nhiên, có thể làm chúng mờ đi, làm nhẵn và nhạt màu đỏ, trắng của vết rạn bằng các loại thuốc bôi có chứa tretinoin, lécithine, các dầu thiên nhiên, các vitamin C, E... và việc dùng thuốc ngay khi các vết rạn mới xuất hiện sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Các loại chế phẩm có thể làm mờ nhạt và giảm kích thước vết rạn, hạn chế sự phát triển của chúng gồm: các loại dầu chiết xuất từ hướng dương, dầu đậu nành, dầu oliu xoa đều lên các vùng da bị rạn hằng ngày trước khi đi ngủ giúp khôi phục độ đàn hồi cho da và hoạt động của các tế bào biểu bì da. Dùng sữa bò tươi mát-xa vùng da bị rạn vào mỗi buổi tối cũng có hiệu quả tốt.


Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

Trị "giời leo" bằng thuốc Nam

NHÂN DÂN THƯỜNG GỌI CHUNG CÁC BỆNH CÓ: VIÊM DA, BỌNG NƯỚC, NÓNG RÁT, ĐAU NHỨC… NHƯ BỊ BỎNG, Ở CÁC VÙNG MẮT, MẶT, QUANH NIỆNG, CỔ, TAY CHÂN, LIÊN SƯỜN, HÔNG BỤNG… LÀ BỆNH GIỜI LEO.

Thật ra bệnh "giời leo" gồm có 3 loại và có nguyên nhân khác nhau.
Loại viêm da bọng nước do côn trùng: làm cho bỏng nhẹ trên da gây nên như: kiến khoang, sâu nái, giời leo… thường bị ở cổ, mặt, tay chân, các vùng có tiếp xúc với côn trùng gây bỏng nhẹ. Bệnh giời leo này, nếu vết thương không bị nhiễm trùng, thường chỉ 3 - 4 ngày sẽ tự bớt, không để lại di chứng.
Nhân dân thấy bọng nước, nóng rát nên thường sử dụng hạt đậu xanh sống nhai hay giã nát đắp lên vết thương hoặc dùng lá mướp, lá chìa vôi hay mài mực Tàu thoa… cho mau lành.
Trị
Loại viêm da bọng nước do virus herpes simplex (mụn cơm): thường xuất hiện ở vùng niêm mạc môi, miệng, quanh miệng, má… bệnh nhân cảm thấy hơi khó chịu ở một điểm nào đó trên da, sau đó vài ngày sẽ nổi mụn nước, có khi chỉ 1 cái, có khi nổi thành cụm nhiều cái hình vòng tròn, có cảm giác ngứa, rát. Nếu không bị bội nhiễm thì vết thương sẽ tự bớt trong vòng 7 - 10 ngày. Đây là bệnh tái phát nhiều lần, thường thì ngay vùng da đã phát trước kia.
Dùng rượu Hoàng liên (hoàng liên 10g, ngâm với 100ml rượu trắng 30- 400) cho ngậm hay thoa lên vết thương, chỉ vài lần thì khỏi vĩnh viễn không bị tái phát.
Loại viêm da bọng nước do virus herpes zoster (Tây y gọi là zona): virus này chỉ gây bệnh ở các tế bào thần kinh hướng tâm, thường xuất hiện ở vùng mặt, quanh mắt, vùng liên sườn, vùng chậu hông, có khi xuống tay chân. Thường chỉ có ở một bên cơ thể. Khu vực bị bệnh, da viêm đỏ, đau, cảm giác rát bỏng, kéo theo các hạch lân cận sưng đau, có thể gây sốt, mệt mỏi, sợ sệt…
Các nhà khoa học nhận thấy những người bị bệnh zona thường trước đây có bị bệnh thủy đậu. Nếu không bị bội nhiễm, tổn thương sẽ tự khỏi sau 2-3 tuần. Nhưng bệnh thường để lại di chứng đau nhức, rát buốt, sợ sệt, khó chịu kéo dài từ 1-6 tháng, có khi đến vài năm.
Điều trị zona theo Đông y
Y học cổ truyền có nhiều phương pháp chữa trị bệnh zona. Thông thường là dùng thuốc uống bên trong và thuốc đắp trên vết thương. Chúng tôi thường sử dụng cây cam thảo đất để chữa trị bệnh zona, rất mau lành và thường không để lại di chứng đau nhức, bỏng rát, sợ sệt.
Bài thuốc chữa bệnh zona
Đắp ngoài: dùng một ít đọt cây cam thảo đất, rửa sạch, giã nhỏ đắp lên vùng bị zona. Ngày thay 1-2 lần. Liên tục vài ngày.
Uống trong: dùng cây cam thảo đất, chặt nhỏ, sao vàng. Lấy 1 nắm (chừng 20-30g), nấu làm nước uống hàng ngày.
Tính vị và công năng của cây cam thảo đất (scoparia dulcis l.) Cam thảo đất còn có tên là cam thảo nam, thổ cam thảo. Cây mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Cây có vị ngọt đắng, tính mát. Có tác dụng bổ tỳ, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc, giải khát. Công dụng chữa sốt, say khoai mì (củ sắn), giải độc cơ thể, chữa ho, viêm họng, ban sởi, kinh nguyệt quá nhiều, tiêu chảy, kiết lỵ, lậu, lợi tiểu, chữa sỏi thận và các bệnh về thận. Ngày dùng 10 - 12g khô (20- 40g tươi).
Hiện nay, các nhà khoa học còn tìm thấy ở cây cam thảo đất có chứa hoạt chất amellin dùng điều trị: đái tháo đường, thiếu máu, albumin niệu, ceton niệu, viêm võng mạc, những biến chứng khác kèm theo của bệnh đái tháo đường và làm cho vết thương mau lành.



NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317


Chữa mẩn ngứa từ cây lá

SAU BÃO LŨ, NƯỚC NGẬP ÚNG LÂU NGÀY RÚT ĐI ĐỂ LẠI MÔI TRƯỜNG THUẬN LỢI CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BỆNH TẬT, NHẤT LÀ BỆNH NGOÀI DA, TRONG ĐÓ, MẨN NGỨA, GHẺ LỞ LÀ PHỔ BIẾN.

Để chữa chứng bệnh khó chịu này, ta có thể tận dụng nguồn cây cỏ sẵn có trong thiên nhiên để bào chế những dạng thuốc đơn giản nhằm sử dụng kịp thời, tại chỗ mà vẫn đạt kết quả khả quan.
Nước sắc lá ba chạc: Hái một nắm lá to cả cành non cây ba chạc, khoảng 50-100g, để tươi, rửa sạch, đun sôi với 4 - 5 lít nước trong 30 phút đến 1 giờ. Đợi khi nước ấm, đem tắm, lấy bã xát mạnh vào các nốt ngứa ghẻ. Ngày làm một lần.
Chữa mẩn ngứa từ cây lá
Cây ba chạc
Lá cỏ lào, lá cúc tần, rễ bạch hoa xà cũng nấu và sử dụng như trên.
Cao lá cơi: Lấy 1kg lá cơi cả cành non, băm nát, nấu với 5 - 6 lít nước. Đun sôi liên tục trong 24 giờ. Vớt bỏ cành và lá, nước còn lại tiếp tục đun cho đến khi sánh đặc như cao.Khi dùng, lấy tăm bông sạch nhúng vào thuốc bôi lên tổn thương. Ngày làm hai lần.
Hạt, thân giã nhỏ, nấu thành cao đặc, rồi chế thuốc mỡ 10%, bôi cũng rất tốt.
Cồn thuốc chẽ ba: Chọn những đoạn thân cây chẽ ba có đường kính 1,5 - 2cm và mọc cách mặt đất 1 - 2cm. Chặt từng khúc 20 - 25cm, đặt lên bếp lửa cho cháy sém lớp bần bên ngoài. Cạo sạch lớp cháy sém, dùng dao róc lấy vỏ thân rồi tước thành sợi. 
Lấy 80 - 100g sợi thuốc cho vào chảo đã đốt nóng già, đảo đều trong 5 - 10 phút. Đổ cồn 70o vào cho xâm xấp, đảo tiếp trong 5 - 10 giây. Lấy thuốc ra, vò nát rồi xát vào nốt ghẻ ngứa. Ngày làm 2 - 3 lần trong 5 ngày liền. Thuốc không làm bẩn da, không gây kích ứng, lại có mùi thơm đặc biệt.
Cồn chiết từ 100g bột rễ cây cúc trừ trùng ngâm với 500ml cồn 80o hoặc cồn ngâm rễ bạch hoa xà với cồn 70o, bôi cũng có tác dụng tốt.
Dầu hạt máu chó: Hạt máu chó được thu hái ở quả chín, phơi khô. Khi dùng, đập vỡ vỏ hạt, lấy nhân. Đem nhân giã thật nhuyễn, thêm muối đã rang khô với tỷ lệ 10%, trộn đều. Đồ như đồ xôi, rồi ép nóng lấy dầu. Dầu hạt máu chó có màu đỏ sẫm, mùi hắc, rất sánh. 
Hoặc lấy 50g nhân hạt giã nhỏ, cho vào 200ml rượu 35 - 40o. Đun sôi nhỏ lửa cho bốc hơi rượu đến khi được một cắn sền sệt. Có thể chế đơn giản như sau: Lấy 10 hạt máu chó, đập vỡ vỏ ngoài lấy nhân, giã nhuyễn, trộn với 10 - 20ml dầu lạc, dầu vừng, dầu quả dọc hoặc mỡ lợn, đun sôi trong 10 - 15 phút, lọc, để nguội.
Chữa mẩn ngứa từ cây lá
Quả máu chó
Nếu dùng phối hợp thì lấy hạt máu chó với hạt củ đậu, củ nghệ (lượng mỗi thứ bằng nhau) và diêm sinh (bằng nửa lượng của mỗi vị trên), tán nhỏ mịn, hòa với dầu vừng hoặc mỡ lợn. Cách khác: Hạt máu chó với hạt củ đậu và quả bồ hòn hoặc nấu cao hạt máu chó với dầu thầu dầu, bột hoàng nàn và bột long não.
Khi dùng các dạng dầu nêu trên, cần bôi thật mỏng để tránh mưng loét. Nếu dùng dầu nguyên ép từ hạt, cũng phải pha loãng để không bị kích ứng mạnh.
Nhựa và tinh dầu thông: Tinh dầu được dùng nhiều hơn. Có thể cất tinh dầu từ lá, quả hoặc nhựa cây. Khi dùng, lấy tinh dầu hoặc nhựa bôi một lớp thật mỏng lên nốt ghẻ ngứa sau khi đã xát rửa sạch sẽ. Ngày bôi hai lần. 
Không bôi dày quá, vết thương dễ bị mưng to vì tính kích ứng gây phồng da của tinh dầu và nhựa thông, nhất là ở những chỗ da mỏng. Tính chất kích ứng của nhựa thông kém hơn 4 lần so với tinh dầu. Các nhà khoa học đã nghiên cứu thấy những người khai thác nhựa thông thường ít bị bệnh ngoài da do ảnh hưởng của hơi tinh dầu bốc lên từ nhựa.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317


Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

Lý do tóc bạc sớm

THÓI QUEN XẤU NHƯ HÚT THUỐC LÁ, CĂNG THẲNG KÉO DÀI, CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG THIẾU CÂN BẰNG... LÀ NGUYÊN NHÂN TÓC BẠC SỚM Ở NGƯỜI TRẺ TUỔI.

Hút thuốc lá và căng thẳng
Những thói quen xấu như hút thuốc, căng thẳng kéo dài có thể tác động trực tiếp lên da và tóc. Chất nicotin từ trong thuốc lá và hàm lượng vitamin B12 thấp được cho là nguyên nhân biến đổi màu tóc. Ngoài ra, khi cơ thể bị căng thẳng, mệt mỏi lâu ngày, mái tóc cũng vì thế mà suy yếu và “ngả màu”.
Theo TS Karthik Krishnamurthy,  trung tâm y tế ở Montefiore (Mỹ), nên ăn các loại thực phẩm như gan và cà rốt vitamin, chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa có thể giúp bảo vệ tế bào chống lại độc tố và quá trình lão hóa sớm trên tóc.
toc-bac-XAYZ-JPG-5424-1441171512.jpg
Ảnh: Pinterest.
Gen di truyền
Tóc bạc sớm phần lớn là do gen di truyền. Nang tóc chứa tế bào sắc tố, sản xuất melanin quyết định mái tóc của bạn màu sắc của bạn. Khi cơ thể bạn ngừng tạo ra melanin, tóc có biểu hiện như màu xám, trắng, bạc.
Ngoài ra, chất melanin cũng cung cấp độ ẩm, vì vậy khi nó ít đi, tóc trở nên dễ gãy rụng. Nếu bố mẹ hoặc ông bà bị bạc tóc sớm, có thể bạn sẽ không tránh khỏi tình trạng này. Theo David Bank, Giám đốc Trung tâm Da liễu ở New York : "Không có nhiều cách thực sự hiệu quả để bạn can thiệp vấn đề di truyền này”.
Chế độ dinh dưỡng
Dinh dưỡng kém cũng được cho là có ảnh hưởng đến việc sản xuất melanin, nhất là khi cơ thể nhận được quá ít protein, vitamin B12. Nên duy  trì một chế độ ăn uống khỏe mạnh, cân bằng có thể giúp giữ cho mái tóc khỏe mạnh. Do đó, khi mái tóc bạc sớm, một phần cũng có thể là lời cảnh báo sức khỏe bạn đang có vấn đề.
Rối loạn tuyến yên, tuyến giáp
Rối loạn tuyến giáp là nguyên nhân hàng đầu khiến việc sản xuất hormone bị đình trệ khiến tóc bạc sớm. Biểu hiện cụ thể, khi tuyến giáp bị rối loạn, tóc cũng trở nên khô và dễ gãy, dễ chẻ ngọn hơn. Ngoài ra, tóc cũng sớm bạc nếu tuyến yên bị rối loạn chức năng với những dấu hiệu như cơ thể mệt mỏi, huyết áp thấp, rụng tóc. Vì thế, khi mái tóc có triệu chứng như vậy, bạn nên tới bác sĩ để có được lời khuyên và cách chăm sóc, chữa trị tốt nhất thay vì tự uống thuốc từ bên ngoài.

Mùa thu: Lá rụng, tóc cũng rụng?




CỨ ĐẾN MÙA THU NHIỀU NGƯỜI CHO RẰNG LÁ RỤNG THÌ TÓC CŨNG RỤNG. TUY NHIÊN THEO CÁC BÁC SĨ DA LIỄU THÌ MÙA NÀO CŨNG CÓ THỂ RỤNG TÓC, KHÔNG CỨ GÌ MÙA THU.

Ảnh minh họa.
Xót xa nhìn tóc rơi xuống sàn

Chị Vũ Kim Lý trú tại Hạ Long, Quảng Ninh đến khám tại BV Da Liễu Trung ương với mái tóc mỏng tang. Chị Lý cho biết khoảng hai tuần nay tóc chị đột nhiên rụng nhiều. Vào các năm trước cứ đến dịp mùa thu là tóc rụng nhưng năm nay tóc rụng nhiều quá khiến chị Lý xót quá. Tranh thủ đưa mẹ chị lên khám tại BV Bạch Mai, chị Lỹ rẽ sang BV Da liễu Trung ương khám tóc rụng.

Mỗi lần gội đầu, chị Lý kể xả dầu gội, dầu xả xong lấy ngón tay vuốt tóc, chị thấy hàng chục sợi tóc dính lại ở ngón tay. Mỗi lần như thế, chị lại gom gọn vào và chỉ 3 - 5 lần gội đầu số tóc gom được vừa vào lòng bàn tay. Chị cảm nhận rõ ở đỉnh đầu tóc thưa dần.

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Huyền trú tại ngõ 252, Định Công, Hà Nội cũng tương tự. Chị Huyền tâm sự cứ mùa thu đến là tóc chị lại rụng kinh khủng. Chị Huyền chia sẻ với bạn bè, ai cũng bị tóc rụng nên mọi người đều mặc nhiên mùa thu lá rụng thì tóc cũng rụng. Chị Huyền khá bất ngờ khi bác sĩ cho rằng không phải mùa thu là mùa rụng tóc.

Chị Nguyễn Thị Khánh thị trấn Thường Tín, Hà Nội chia sẻ khoảng gần 1 tháng nay tóc chị rụng rất nhiều. Ở nhà chỗ nào cũng có tóc của chị từ ghế, chăn gối thậm chí nhiều khi đến bữa ăn chồng và mẹ chồng chị cũng càu nhàu vì trong thức ăn, cơm có tóc của chị Khánh. Nhìn mái tóc thưa dần và xơ chị Khánh càng xót ruột. Chị kể "tôi càng cố gắng chăm sóc, ủ tóc, dưỡng tóc tóc lại rụng nhiều hơn. Có lúc, vuốt tay thôi tóc cũng theo xuống vài sợi.
Không có bệnh rụng tóc mùa thu
BS Nguyễn Thành - Nguyên trưởng khoa Khám Bệnh, BV Da Liễu Trung ương cho biết quan điểm mùa thu lá rụng thì tóc cũng rụng là sai lầm vì mùa nào cũng có thể rụng tóc. Rụng tóc không liên quan gì đến mùa thu cả. Có thể các bệnh nhân rụng tóc có sự trùng hợp vào mùa thu nên nghĩ rằng mùa này tóc rụng nhiều.

Theo BS Nguyễn Thành, ông gặp rất nhiều bệnh nhân bị rụng tóc. Tuy nhiên, không phải cứ rụng tóc là bệnh lý, mỗi ngày, người bị tóc rụng có thể đếm. Nếu thấy tóc rụng trên 100 sợi đó mới là bệnh lý. Còn lại là tóc già cỗi nên rụng.

Hiện nay, qua lâm sàng BS Thành cho biết có nhiều nguyên nhân của việc rụng tóc, từ lý do di truyền cho tới việc dùng thuốc. Stress là một trong số đó. Căng thẳng gây ra tình trạng rụng tóc mảng – một bệnh tự miễn mà bạch cầu tấn công các nang tóc, khiến tóc rụng. 

BS Thành khuyến cáo stress, sang chấn tâm lý là nguyên nhân gây ra chứng rụng tóc telogen effluvium. Chứng bệnh này rất nghiêm trọng vì nó gây rụng tới 70% số tóc. Nó thường xảy ra vài tháng sau những biến cố lớn trong cuộc đời như có người thân mất, ly hôn...

Ngoài ra, một số trường hợp bị rụng tóc sau sinh, việc rụng tóc là do sự thay đổi nội tiết và sau sang chấn tâm lý trong thời kỳ có thai, sinh con. Có những người bị trầm cảm sau sinh dẫn đến bệnh lý rụng tóc.
BS Thành khuyến cáo một số yếu tố khác có thể gây rụng tóc như dùng chất tẩy rửa mạnh, gội đầu qua nhiều lần, bình thường bác sĩ cho biết 2 - 3 ngày nên gội đầu 1 lần. Một số trường hợp bị rụng tóc do nấm với các biểu hiện kèm theo như luôn ngứa da đầu và phải gãi, tóc rụng thành từng mảng...

BS Thành cho biết điều trị rụng tóc rất lâu. Đối với những người bị rụng tóc cần được bác sĩ theo dõi một thời gian nhất là rụng tóc mảng. Còn bệnh lý rụng tóc do stress chỉ cần nghỉ ngơi, sử dụng thuốc ngăn rụng tóc là có thể khỏi. Trường hợp rụng tóc do dị ứng dầu gội đầu, chất tẩy rửa, lạm dụng hóa chất cần được cách ly hoàn toàn.

Việc sử dụng và chọn dầu gội đầu BS Thành cho biết cần được kiểm tra kỹ và đặc biệt nên tránh các loại dầu gội không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem đảm bảo của cơ quan quản lý.


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons