Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Cách xử lý để hạn chế di chứng do bỏng

Bỏng là một tai nạn thương tích thường gặp, chỉ đứng sau tai nạn giao thông. Di chứng để lại thường nặng nề.

Ðể hạn chế những di chứng, sơ cứu và xử trí đúng cách khi bị bỏng là rất quan trọng. Tùy từng loại bỏng mà có cách xử lý an toàn nhất cho bệnh nhân.
Khi bệnh nhân bị bỏng, ngay lập tức kéo nạn nhân ra khỏi tác nhân bị bỏng nhanh chóng và an toàn nhất.
Cách xử lý các loại bỏng như sau
Bỏng do điện giật: 
Không được dùng tay trực tiếp để kéo nạn nhân ra, phải ngắt cầu dao, dùng gậy khô hoặc vật không dẫn điện để gạt tách dây điện ra khỏi nạn nhân. 
Nếu bệnh nhân bị ngừng thở, ngừng tim hãy để nạn nhân tại chỗ trên nền cứng tiến hành hồi sinh tổng hợp (hô hấp bằng thổi miệng, ép tim ngoài lồng ngực) cho đến khi nạn nhân tự thở và tim đập trở lại mới đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
Bỏng do lửa, nước nóng:
Trường hợp này, càng sớm càng tốt ngâm vùng bị bỏng, dội nước hoặc hứng vùng bị bỏng vào nước mát (15-20 độ C), sạch khoảng 20 phút. Nước mát sẽ giúp làm giảm nhiệt độ tại chỗ, hạn chế rối loạn vi tuần hoàn tại chỗ, sẽ hạn chế bỏng sâu, giảm đau cho bệnh nhân và tránh được việc hình thành nốt phỏng.
Không được dùng nước quá lạnh hoặc nước đá để chườm bỏng. Nếu ở mặt có thể dùng khăn ướt đắp lên vết bỏng. Sau khi ngâm nước dùng gạc sạch đắp lên vết bỏng và băng ép vùng bị bỏng vừa phải rồi chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
Bỏng do hóa chất (axit): 
Nhanh chóng cởi bỏ quần áo dính axit cho nạn nhân rồi ngâm vùng bị bỏng vào nước hoặc dùng nước dội vào vùng bị bỏng để làm loãng nồng độ axit. Thời gian ngâm hay dội nước ít nhất khoảng 20 - 30 phút.
Nếu axit bắn vào mắt thì cúi úp mắt xuống nước rồi chớp mắt nhiều lần để rửa axit khỏi mắt. Nếu uống nhầm axit thì súc miệng nhiều lần bằng nước lã, sau đó ngậm và uống sữa lạnh, lòng trắng trứng, rồi đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.
* Lưu ý: Sau khi bị bỏng cần cho nạn nhân uống nhiều nước, đặc biệt khi nạn nhân kêu khát. Có thể sử dụng các loại như nước lọc, nước hoa quả, orezol...
Tuyệt đối không được bôi bất kỳ một chất gì lên vết bỏng như kem đánh răng, mỡ trăn, thuốc mỡ, nhựa chuối... Bởi thời điểm ngay sau khi bị bỏng bôi những thứ nói trên lên vết bỏng không những không giảm đau mà còn đau hơn, có thể gây tổn thương sâu hơn và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn vết bỏng.  


Loét da ở người cao tuổi - Dễ gặp nhưng khó trị

Bệnh loét da ở người cao tuổi (NCT) rất dễ gặp bởi sức đề kháng của NCT bị giảm sút nhiều so với các lứa tuổi khác.

Việc cung cấp dinh dưỡng cho da không đầy đủ hay giảm sắc tố da do tuổi tác cũng gây nên những bệnh lý khác như ngứa, zona, vảy nến... Tuy nhiên, nếu biết cách giữ vệ sinh sạch sẽ thì vấn đề thường gặp về da này có thể được hạn chế triệt để.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến loét da ở NCT
Trong các bệnh loét da ở NCT thì loét da chi dưới chiếm tỷ lệ rất cao (khoảng 70%) do hệ thống van một chiều của tĩnh mạch chân suy yếu làm khó khăn cho máu trở về tim, máu ứ đọng lại gây loét da ở cẳng chân.
 
Bệnh có thể xảy ra một bên hoặc cả hai bên cẳng chân. Bệnh cũng có thể biểu hiện loét ở da mắt cá trong do ứ trệ tĩnh mạch bên dưới.
 
Mắt cá ngoài của NCT cũng có thể bị loét, loét mắt cá ngoài lại có liên quan đến chấn thương làm lở loét do đi lại không vững gây vấp, trượt chân hoặc do một số động mạch của chi dưới bị suy yếu…
 
Một số NCT do nằm lâu bởi một số bệnh như tai biến mạch máu não, chấn thương gãy xương phải cố định hoặc bó bột phải nằm dài ngày. Sức yếu không cử động, không thay đổi tư thế được hoặc muốn cử động, muốn thay đổi tư thế nhưng không có người hỗ trợ thì những vùng bị tì đè nhiều cũng rất dễ gây loét như vùng mông, bả vai, hai mạng sườn, vùng chẩm, gót chân…
 
Các dạng loét da ở NCT do tì đè này chủ yếu do da ở vùng đó thiếu chất dinh dưỡng bởi máu không lưu thông được trong một thời gian dài. Một số NCT bị loét da có thể do suy dinh dưỡng bởi ăn uống thiếu (thiếu cả về số lượng, cả về chất lượng) hoặc không ăn được do bệnh tật, vì vậy lớp cơ, lớp mỡ dưới da mỏng đi rất nhiều và nếu bị tì đè nhiều thì da sẽ bị loét.
 
Ở một số NCT bị mất cảm giác đau do chấn thương cột sống, do tai biến mạch máu não cũng có thể bị loét da. Ngày nay, người ta thường nhắc đến loét da ở bệnh nhân bị đái tháo đường là do mạch máu ở một số vùng như bàn chân của người đái tháo đường bị tổn thương làm cho máu không đến được gây loét da.
 
Một số NCT do tình trạng vệ sinh kém bởi vì tuổi cao, sức yếu không có người chăm sóc, vệ sinh tắm rửa hằng ngày cũng rất dễ bị loét da.
 
Loét da dễ gây nhiễm khuẩn
 
NCT còn có thể gặp bệnh da nào khác không?
NCT lại có sức đề kháng bị suy giảm một cách đáng kể do tuổi tác, do đó da của NCT trở nên nhăn nheo, giảm tính đàn hồi, khô hơn do đó da của NCT  rất dễ mắc bệnh.
 
Bệnh thường gặp nhất là ngứa. Ngứa có thể chỉ mang tính chất đơn thuần do giảm nội tiết tố trong cơ thể (ví dụ testosterol), nhưng ngứa ở NCT cũng có thể do viêm da cơ địa.
 
Đa số NCT thường bị bệnh dày sừng làm cho bề mặt da ở vùng đó trở nên khô, nhám. NCT cũng có thể gặp bệnh zona - một bệnh do virut Zoster gây ra, có trường hợp bệnh zona cũng có thể gây loét từng mảng, gây đau nhức và có thể bị nhiễm khuẩn.
 
Bệnh vảy nến cũng là một bệnh rất dễ gặp ở NCT,  NCT cũng có thể mắc bệnh bạch biến do mất hắc tố melamin của da làm cho da có màu trắng giống như màu của tờ giấy.
 
Ngoài ra, người ta còn gặp một số bệnh về da ở NCT như bệnh tự miễn, bệnh da đỏ toàn thân tróc vảy, lang ben, hắc lào hoặc ung thư da. Trong các bệnh về da ở NCT thì bệnh loét da là một trong các loại bệnh gây nhiều phiền toái không chỉ cho người bệnh mà còn cho cả gia đình. 
 
Giữ vệ sinh là biện pháp hiệu quả phòng bệnh da ở NCT
Tuỳ theo từng nguyên nhân mà có các biện pháp nhằm ngăn ngừa loét da cho NCT. Khi NCT phải nằm lâu ngày, thậm chí không ngồi dậy được thì người nhà, người chăm sóc cần thay đổi tư thế cho người bệnh.
 
Những vùng bị tì, đè nhiều cần được vệ sinh sạch sẽ và xoa bóp hàng ngày. Nếu có điều kiện thì cho người bệnh nằm đệm chuyên dụng cho người nằm lâu, ít cử động (ví dụ dùng đệm bằng hơi hoặc nước).
 
Có thể dùng một số thuốc mỡ có kháng sinh thoa vào các vùng bị loét để phòng bị nhiễm khuẩn. Không nên lạm dụng thuốc ngủ cho NCT có nguy cơ bị loét da vì uống thuốc ngủ sẽ làm cho người bệnh giảm các vận động, ngay cả việc thay đổi tư thế khi nằm.
 
Những NCT bị đái tháo đường luôn lưu ý là kiểm tra bàn chân mỗi ngày để phát hiện vết loét, cần chọn giày, dép mềm mại, không chật để sử dụng. NCT khi bị giãn tĩnh mạch chân cần đi khám bệnh để được bác sĩ điều trị và tư vấn những điều cần thiết, không nên chủ quan.
 
Vấn đề dinh dưỡng cho NCT để phòng loét da cũng là một việc rất cần được quan tâm. Vì vậy cần có chế độ ăn uống hợp lý để có đủ năng lượng, giàu protein, giàu sinh tố, khoáng chất.
 
Tuy vậy, việc nâng cao sức đề kháng cho NCT có  nhiều biện pháp khác nhau nhưng còn tuỳ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của từng người. Ăn uống đủ chất và đủ số lượng trong từng bữa ăn là hết sức quan trọng.
 
Trong các bữa ăn nên hạn chế ăn thịt mà tăng cường ăn cá, rau và quả. Cá, rau và quả có rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho mọi cơ quan trong cơ thể vì chúng cung cấp các loại vitamin, đồng thời trong rau có nhiều chất xơ là loại góp phần chống táo bón ở NCT.
 
Bên cạnh thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt, đều đặn thì phải luôn giữ vệ sinh cá nhân như tắm rửa và thay quần áo hằng ngày.     
          


Cách chăm sóc trẻ bị dị ứng ngoài da

Dù chưa biết bản thân bé có bị ảnh hưởng di truyền hay không, phụ huynh cần chọn cách chăm sóc da cho bé phù hợp.

Chị Minh Trang (Quận Tân Phú, TPHCM) có con trai 11 tháng tuổi, nặng 10,5 kg; cao 74 cm và sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, mỗi khi bé bị muỗi cắn thì gãi rất nhiều vì ngứa hoặc thỉnh thoảng tự nhiên trên chân bé nổi lên mẩn đỏ gây ngứa.
 
Do bản thân có gốc phong nên chị luôn lo lắng không biết bé bị như vậy có phải do ảnh hưởng từ mẹ hay không?
 
Chị chia sẻ: “Không biết có loại thuốc bôi nào giúp bé hết ngứa? Nếu dùng thuốc đó lâu dài có ảnh hưởng đến da của bé hay không?".
 
ThS.BS Lê Thái Vân Thanh, giảng viên Bộ môn Da Liễu, Đại học Y dược TPHCM phân tích: Các chất tiết từ vết đốt côn trùng là một trong những tác nhân gây dị ứng (dị nguyên) trong vô số các dị nguyên tồn tại trong môi trường. Người có “gốc phong” dễ bị nổi mẩn đỏ rất ngứa khi tiếp xúc với dị nguyên.
 
Do đó, dù chưa biết bản thân trẻ có bị ảnh hưởng di truyền hay không, phụ huynh cần chọn cách chăm sóc bé như sau:
 
Ảnh minh họa
 
1. Giữ cho môi trường xung quanh bé không quá nóng, quá lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ quá nhanh; đồng thời cũng giữ cho môi trường không quá khô, chẳng hạn nếu bé ngủ trong phòng máy lạnh thì nên để thêm một thau nước lớn nhằm cải thiện độ ẩm trong phòng.
2. Tránh để bé đổ mồ hôi ẩm ướt.
3. Tránh dùng các thuốc bôi hoặc quần áo gây bít tắc hay gây kích thích như bôi dầu, thuốc không theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, hoặc mặc quần áo bằng chất liệu len, nỉ, sợi tổng hợp.
4. Không dùng xà phòng giặt đồ hoặc xà phòng tắm có chứa chất tẩy rửa cho bé, chỉ nên dùng các loại sữa tắm không chứa xà phòng như Cetaphil, Saforell, Physiogel…
5. Vệ sinh phòng sạch sẽ hằng ngày, không nuôi thú hoặc để hoa tươi trong nhà.
6. Giữ cho da bé luôn được ẩm mịn bằng cách bôi các chất giữ ẩm mỗi ngày hai lần, đặc biệt vừa sau khi tắm bé.
7. Không cho bé ăn các thức ăn “dễ dị ứng” như trứng, đồ lên men, đậu phộng, cà chua, đồ biển…
8. Khi da bị tổn thương đang nổi đỏ hoặc chảy dịch thì có thể bôi các loại thuốc dạng dung dịch màu như Milian, Eosin…
9. Khi tổn thương da khô, đỏ, tróc vẩy thì có thể bôi các loại kem chứa Corticosteroids nhẹ trong thời gian ngắn (khoảng 7 – 10 ngày) thành từng đợt hoặc bôi tacrolimus.
10. Khi tổn thương da khô, dầy sừng nhiều thì có thể dùng các loại mỡ chứa corticosteroid hoặc phối hợp chất tiêu sừng như salicylic acid.



Để tóc còn ẩm đi ngủ có thể gây viêm da đầu

Nhiều người có thói quen đi ngủ khi tóc chưa khô hẳn mà không biết rằng đó là nguyên nhân gây ra những cơn đau nhức đầu bất chợt.

Ảnh minh họa
Nguyên nhân là do phần nước còn lưu lại trên da đầu sẽ làm chậm hoạt động của các mạch máu, ảnh hưởng tới vòng tuần hoàn máu, lâu dần sẽ gây đau nhức đầu mãn tính (viêm tĩnh mạch da đầu).
Lúc đầu người bị viêm da đầu sẽ thấy ngứa ngáy hoặc tê dại vùng da đầu, cảm giác đầu nặng trĩu ở một bên. Lâu dần sẽ thấy phần da đầu dày hơn, thô hơn mức thường, thậm chí dưới lớp da đầu còn có những cục sưng nhỏ trồi lên. Tình trạng này vô cùng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên gội đầu vào buổi sáng, nó không những có lợi cho sức khỏe mà còn giúp tinh thần sảng khoái trong ngày mới.
 
Nếu gội đầu vào buổi tối cần phải sấy hoặc lau tóc thật khô trước khi đi ngủ. Khi thấy thấy ngứa ngáy hoặc tê dại vùng da đầu, cảm giác đầu nặng trĩu ở một bên cần tới khám bác sĩ để được tư vấn kịp thời.


Phương pháp mới chống nhiễm trùng da

Các tế bào da biến đổi gen được nuôi cấy vào mảng da thay thế có thể chống lại nguy cơ nhiễm trùng ở những bệnh nhân bị bỏng nặng.

TS. Dorothy và các cộng sự thuộc Trường đại học Cincinnati (Mỹ) tiến hành nghiên cứu trong vòng 3 năm đã phát hiện một loại protein có tên HBD4 (viết tắt của huma beta defensi) được cấy vào da có khả năng tiêu diệt vi khuẩn nhiều hơn so với các tế bào da bình thường.
Các nhà khoa học tin tưởng rằng, đây là phương pháp thay thế hiệu quả cho việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân bỏng và kiểm soát lây nhiễm.


Muốn chữa khỏi bệnh vảy nến và á sừng thì phải làm thế nào?

Vảy nến và á sừng là 2 bệnh hoàn toàn khác nhau. Em hãy cùng AloBacsi tìm hiểu một chút về 2 bệnh này, em nhé!

Vảy nến biểu hiện trên da là các mảng đỏ khi đè lên thì màu đỏ này biến mất, có ranh giới rất rõ với vùng da lành bên cạnh và đóng vảy trắng đục, kích thước từ vài cm đến hàng chục cm (gọi là vảy nến mảng) hoặc chỉ là các thương tổn màu đỏ, khá đồng đều, hơi gồ lên mặt da kích thước chừng vài mm (gọi là vảy nến giọt), nếu bệnh nặng sẽ lan rộng toàn thân (gọi là vảy nến toàn thân).

Khi cào, gãi thì vảy bị rớt ra một cách dễ dàng giống như sáp đèn cầy nên có tên gọi là vảy nến. Các thương tổn này phân bổ một cách đối xứng ở rìa chân tóc, da đầu (trông giống như gàu), khuỷu tay, đầu gối, vùng xương cụt, bộ phận sinh dục hoặc các nếp gấp.

Bệnh không đau, có thể gây ngứa ít hay nhiều. Trường hợp nặng có thể gây sốt, sưng, đau và biến dạng các khớp làm giới hạn vận động, hay có thể làm cho đỏ da toàn thân không hồi phục.

Nguyên nhân chính gây ra bệnh vảy nến là do bất thường miễn dịch. Ngoài ra, yếu tố di truyền, căng thẳng, các chấn thương tâm lý, thuốc, nhiễm liên cầu trùng, nhiễm siêu vi... cũng ảnh hưởng trên sự khởi phát, tái phát hoặc làm bệnh nặng thêm.

Á sừng là bệnh ngoài da khá phổ biến với biểu hiện thường gặp là: các đầu ngón tay, chân, gót chân khô ráp, tróc da, nứt nẻ ở rìa do lớp sừng chuyển hóa dở dang, tế bào còn nhân và nguyên sinh, chưa chuyển hóa hết thành sừng (gọi là sừng non).

Vào mùa nóng, vùng da bệnh bị ngứa, nổi mụn nước, lâu ngày có thể làm các móng xù xì lỗ chỗ. Vào mùa lạnh, tình trạng nứt nẻ tăng lên làm vùng da tổn thương dễ bị nức toác ra, chảy máu.

Nguyên nhân gây á sừng đến nay vẫn chưa xác định, song nhiều nhà khoa học cho rằng đó là do yếu tố di truyền trong gia đình hoặc thói quen dinh dưỡng không cân đối, thiếu vitamin, nhất là A, C, D, E… sẽ ảnh hưởng đến chất lượng lớp sừng.

Về việc điều trị thì á sừng là viêm da do cơ địa dị ứng, có thể tự khỏi khi có sự thay đổi nội tiết như đến tuổi dậy thì, mang thai, mãn kinh… Phương pháp điều trị hiện nay là bôi tại chỗ vùng da tổn thương bằng các thuốc tạo sừng và sử dụng kết hợp với thuốc bôi kháng sinh hay chống nấm nếu bị nhiễm khuẩn hay nhiễm nấm. Trường hợp nặng có thể phải dùng corticoid, kháng histamin.

Còn đối với vảy nến là bệnh do bất thường miễn dịch, hiện nay chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn.

Các thuốc ức chế sự hình thành quá trình miễn dịch, ức chế sự tân sinh và thuốc chứa chất vitamine A acide là các thuốc đặc trị, được dùng cho trường hợp vảy nến kháng trị hoặc vảy nến mủ, cho kết quả điều trị khá tốt nhưng có nhiều tác dụng phụ và rất đắt tiền.

Việc trị liệu chỉ nhằm mục đích giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp thuyên giảm các biểu hiện ngoài da, giảm nguy cơ dẫn đến các biến chứng nặng nề, khó chữa như tổn thương khớp, vảy nến mủ hoặc bệnh đỏ da toàn thân.



Cách phòng ngừa dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ?

Tuổi nào cũng có nguy cơ mắc dị ứng, nhưng riêng trẻ nhỏ thì dễ bị dị ứng từ đường tiêu hóa do cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh.

Hệ miễn dịch của bé còn quá non nớt nên mẹ cần giúp bé làm quen dần với bụi bặm cuộc đời. Ảnh: Hồng Thái
 
Mẫn cán quá mức
 
Dị ứng là phản ứng của cơ thể đối với các tác nhân “lạ” từ bên ngoài - thường được gọi là kháng nguyên. Bình thường trong cơ thể luôn có các thành phần bảo vệ gọi là kháng thể.
 
Khi có kháng nguyên xâm nhập, lập tức các kháng thể sẽ chống lại ngay để bảo vệ cơ thể. Sự phản ứng quá mức giữa kháng nguyên và kháng thể sẽ tạo ra dị ứng.
 
Các kháng nguyên ở đây có thể là: thực phẩm, thuốc, phấn hoa, bụi bặm, các loại nọc độc côn trùng… hay đôi khi chỉ đơn giản là sự thay đổi đột ngột nhiệt độ môi trường.
 
Kháng nguyên có thể tiếp xúc với cơ thể qua nhiều đường: da, đường hô hấp hoặc tiêu hoá. Đặc biệt, sự xâm nhập qua đường tiêu hoá thực sự là mối hiểm nguy do diện tích tiếp xúc của niêm mạc đường tiêu hoá lớn hơn.
 
Trẻ nhỏ dễ bị dị ứng từ đường tiêu hoá còn do lần đầu trong đời tiếp xúc với các loại thức ăn khác nhau, cũng chính là lần đầu tiếp xúc với các kháng nguyên.
 
Biểu hiện của dị ứng rất đa dạng, với nhiều mức độ. Thông thường là biểu hiện ngoài da như nổi mẩn ngứa, đỏ da, nổi mề đay, hoặc chàm, viêm da cơ địa. Hoặc có thể là đột ngột sổ mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, ho khan liên hồi, khò khè, khó thở.
 
Biểu hiện ở đường tiêu hoá thường gặp nhưng triệu chứng không điển hình và dễ bị bỏ qua là: nôn mửa, đi phân lỏng, hoặc nặng hơn là nôn ra máu, dạng nặng nhất của dị ứng là sốc phản vệ: người bị dị ứng có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời!
 
Rất nhiều nghiên cứu cho thấy dị ứng từ đường tiêu hoá ở trẻ nhỏ càng dễ xảy ra nếu trẻ không được bú mẹ trong những tháng đầu đời. Sữa bò là tác nhân gây dị ứng thường gặp nhất ở trẻ nhỏ.
 
Trẻ thường hay bị dị ứng với đạm của sữa bò các biểu hiện thường gặp là: nổi mẩn đỏ quanh miệng và môi, có những trẻ sữa rớt ra đến đâu nổi mẩn đỏ đến đó, một số trẻ biểu hiện bằng tiêu chảy hoặc nôn.
 
Trong trường hợp này tốt nhất chỉ cho trẻ bú mẹ, nếu mẹ không có sữa phải chuyển sang uống sữa đậu nành, hoặc sữa đạm thuỷ phân một phần.
 
Trẻ bị dị ứng thường có tính chất gia đình. Nếu cha hoặc mẹ có tiền sử dị ứng thì con có 25 - 30% khả năng bị bệnh này, và con số trên sẽ tăng lên 50 - 80% nếu cả cha lẫn mẹ đều có tiền sử dị ứng. Thế nhưng, nếu cha mẹ không dị ứng thì con vẫn có 15% khả năng mắc dị ứng.
 
Phòng ngừa dị ứng cách nào?
 
Nếu trẻ thuộc cơ địa dị ứng (dị ứng có tính chất gia đình) thì việc phòng ngừa rất khó khăn, tuy nhiên một số trường hợp cũng có thể phòng được bằng cách:
 
- Lúc mang thai, bà mẹ nên có chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, không được hút thuốc, không uống rượu bia.
- Ngay sau khi sinh, con phải được bú mẹ sớm và tiếp tục bú mẹ ít nhất trong sáu tháng đầu.
 
- Thức ăn bổ sung chỉ nên cho ăn khi bé đã sáu tháng tuổi, lúc này đường tiêu hoá của bé đã tương đối hoàn chỉnh và sẵn sàng tiếp nhận các dạng thức ăn mới ngoài sữa.
 
Tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới; với các chất đạm có nguồn gốc từ thuỷ sản như tôm, cua, cá... chỉ cho ăn khi trẻ đã bảy tháng tuổi, bắt đầu ăn ít một, sau đó mới tăng dần. Trẻ cần được sống trong môi trường trong lành, ít bụi bặm, không khói than, khói thuốc.
 
- Nếu vì lý do nào đó mà trẻ không được bú mẹ hoặc cần bổ sung thêm sữa ngoài sữa mẹ mà có biểu hiện dị ứng thì nên chuyển uống sữa đậu nành hoặc sữa giảm dị ứng (ký hiệu là H.A - hypoallergenic - có tác dụng giảm dị ứng do đạm trong sữa đã được thuỷ phân thành các axít amin, nói cách khác là các chất đạm đã được cắt nhỏ ra - đạm càng lớn càng dễ gây dị ứng).
 
Ngoài ra, sữa được bổ sung probiotic (các vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hoá) như sữa chua cũng góp phần làm giảm dị ứng ở trẻ, vì bổ sung probiotic trong chế độ ăn của trẻ đã được chứng minh là một trong những phương pháp phòng ngừa dị ứng hiệu quả.


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons