Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Mẹo hay trị ngứa

Ngứa là biểu hiện thường gặp khi làn da có vấn đề, gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân. Trong trường hợp nặng, các cơn ngứa có thể gây viêm nhiễm.


Có nhiều loại thuốc tây giúp trị dứt triệu chứng ngứa. Tuy nhiên, một số người có thể dị ứng với các thành phần trong thuốc trị ngứa. Do đó, trị ngứa bằng các bài thuốc tự nhiên là cách làm mang lại hiệu quả cao mà không gây tác dụng phụ. Bạn có thể tham khảo những cách trị ngứa đơn giản dưới đây.
• Pha bốn muỗng canh tinh dầu bạc hà với nước ấm. Ngâm toàn thân vào bồn nước tắm khoảng 20 phút, các dưỡng chất trong tinh dầu bạc hà sẽ giúp khắc phục các cơn ngứa ở mức độ bình thường.
• Trộn đều ba muỗng canh mật ong và ba muỗng canh bột quế, thoa hỗn hợp này lên vùng da bị ngứa và chà xát vài phút. Các hoạt chất diệt khuẩn trong mật ong và bột quế sẽ xoa dịu các cơn ngứa. Hãy rửa sạch lại bằng nước sạch sau khi cơn ngứa không còn nữa.
• Pha hai chén bột yến mạch vào nước ấm rồi cho vào bồn tắm. Ngâm mình vào bồn nước tắm khoảng 20 phút để làm giảm ngứa và khô da.
• Pha ba muỗng canh giấm táo với ba muỗng canh nước ấm. Dùng miếng bông gòn thấm ướt dung dịch này rồi thoa lên vùng da bị ngứa sẽ cải thiện các cơn ngứa ngay lập tức. Rửa vết thương lại bằng nước sạch cho đến khi cơn ngứa hết hẳn. Bạn có thể bảo quản hỗn hợp trị ngứa này trong tủ lanh.
• Trộn đều bốn muỗng canh bột baking soda với ba muỗng canh nước, thoa lên vùng da bị ngứa sẽ cho kết quả bất ngờ.
Sau khi áp dụng các biện pháp trị ngứa nói trên, nếu vẫn chưa hết ngứa, bạn nên đến bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời. Cố gắng đừng gãi ngứa vì điều này có thể làm cho làn da bị tổn thương và nhiễm trùng.


Trị nấm da khi mùa mưa

Nấm chân là một trong những bệnh phổ biến vào mùa mưa. Nam giới thường mắc chứng bệnh này bởi thói quen đi giày tất. Khi gặp mưa, tất bẩn và ướt sẽ là mảnh đất màu mỡ để nấm chân phát triển. 3 thể thường gặp là thể tróc vẩy khô, mụn nước và viêm kẽ thường gặp ở các kẽ ngón.
Ngoài ra, nấm bẹn (còn gọi là hắc lào) cũng thường xuất hiện khi đổ mồ hôi nhiều hay mặc đồ ẩm ướt sau khi mắc mưa.Từ một bên bẹn nấm sẽ lan sang bên kia, sau đó xuống mông, thắt lưng. Người mắc bệnh hắc lào thường bị ngứa nên hay gãi, làm lây lan trên cơ thể. Nấm thân rất dễ lây lan do sử dụng chung các đồ dùng sinh hoạt như: quần, áo, khăn mặt, khăn tắm, ngủ chung giường, đắp chung chăn…
NamBen.JPG
Nấm móng thường do vi nấm Trichophyton hoặc Candida gây nên. Khi bị bệnh, móng mất màu bóng, bị trồi lên hoặc khuyết vào, trên mặt móng lỗ chỗ hoặc khứa rãnh. Dưới rãnh có chất như bột vụn. Móng sẽ càng ngày càng bị sù sì, màu vàng hoặc đục. Bệnh có thể lây từ móng này sang móng khác.
Bệnh lang ben có "thủ phạm" là vi nấm Pityrosporum orbiculare gây nên, có hai dạng: màu trắng và màu nâu. Bệnh gây ngứa, nhất là khi ra nắng hay ra nhiều mồ hôi. Bệnh tùy thuộc khá nhiều vào việc vệ sinh da, sức đề kháng của cơ thể, phụ thuộc vào độ pH của da và cả độ ẩm của da. Vì vậy một số trường hợp trong một gia đình có người mắc bệnh lang ben nhưng người khác lại không mắc. Lang ben có nhiều dạng như lang ben sậm màu nhạt màu.
Để nấm không có điều kiện phát triển thêm, tái phát hay lây lan cho người khác bạn nên giữ gìn vệ sinh, không dùng chung khăn mặt, áo quần, luộc sôi quần áo có nhiễm nấm.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể điều trị nấm da bằng các thuốc bôi, uống; dùng các kem bôi hay dầu gội có chứa Ketoconazole 2%, hay uống thuốc có chất itraconazole… theo sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ, không nên dùng các thuốc trị nấm da pha lẫn corticoide vì có thể gây tác dụng phụ như teo da, rạn da, và tạo cơ hội nấm phát triển nhiều hơn, khó chẩn đoán và điều trị sau này. 


Ngứa - Làm sao đây?

Ngứa là do các tế bào da tăng tiết quá nhiều histamin. Vậy điều trị và phòng bệnh ngứa thế nào cho hiệu quả.

Nguyên nhân và triệu chứng
Ngứa có thể do các nguyên nhân do các bệnh ngoài da, ngứa do tuổi tác, do thời tiết, ký sinh trùng, bọ thú vật cắn, một số bệnh mạn tính khác...
Ngoài ra, các trạng thái căng thẳng tinh thần và một số bệnh tâm thần cũng khiến nhiều người cảm thấy ngứa ngáy. Chứng ngứa này được gọi là ngứa tâm lý. Tuy nhiên, chỉ nên định bệnh là ngứa tâm lý sau một thời gian tìm hiểu và theo dõi để biết chắc là không có một tật bệnh nào khác quan trọng trong cơ thể gây ra chứng ngứa. Ngứa còn do dị ứng một số loại thuốc như: paracetamol, aspirin, kháng sinh...
Ngứa - Làm sao đây? 1
Những côn trùng có thể gây ngứa.
Chẩn đoán
Việc xác định nguyên nhân gây ngứa sẽ dễ dàng loại bỏ nó. Thường thì nguyên nhân được tìm thấy một cách rõ ràng, chẳng hạn như vết cắn của côn trùng hay chất độc. Nếu ngứa kéo dài vài ngày hay là xuất hiện và biến mất một cách thường xuyên mà không có nguyên nhân rõ ràng thì cần phải được khám và làm các xét nghiệm. 
Nếu nghi ngờ dị ứng, cần phải làm test da. Nếu nghi ngờ bệnh hệ thống, cần phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng gan, chức năng thận, mức đường huyết. Số lượng bạch cầu ái toan (một loại bạch cầu) cũng có thể được kiểm tra nếu số lượng của chúng tăng có thể gợi ý đến một tình trạng dị ứng.
Đôi khi bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bệnh nhân ngưng một hoặc vài loại thuốc để xem có bớt ngứa đi hay không. Sinh thiết, lấy một mẫu da để quan sát dưới kính hiển vi cũng có thể giúp tìm ra nguyên nhân.
Điều trị thế nào?
Uống thuốc kháng histamin sẽ có hiệu quả tốt. Một số loại kháng histamin như hydroxyzin (atarax, vistaril) và diphenhydramin thường gây buồn ngủ và khô miệng, do đó, thường được dùng vào giờ ngủ. Những loại kháng histamin khác như loratadin (claritin) và cetirizin (zitec) thường không gây buồn ngủ. Thông thường, những loại kem có chứa kháng histamin như diphenhydramin (benadryl, nytol, sominex) không nên dùng vì chính bản thân chúng cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng.
Kem có chứa corticoid có thể làm giảm viêm và kiểm soát ngứa, do đó, có thể dùng nếu như ngứa giới hạn ở trong một khu vực nhỏ. Ngứa bởi một số lý do như: nhiễm độc cây thường xuân, có thể cần bôi kem có corticoid mạnh. 
Tuy nhiên, chỉ nên dùng corticoid nhẹ (hydrocortison 1%) khi bôi lên mặt do corticoid có tác dụng mạnh sẽ làm mỏng làn da nhạy cảm ở khu vực này. Ngoài ra, kem có chứa corticoid với dược tính mạnh được bôi ở những vùng rộng lớn trong một thời gian dài có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, do thuốc có thể thẩm thấu để đi vào máu. Đôi khi có thể dùng corticoid đường uống nếu bị ngứa ở một khu vực lớn.
Nếu là bệnh ngoài da như ghẻ, hắc lào, lang ben, nấm da, nấm tóc, viêm da dị ứng..., hãy dùng các thuốc chữa bệnh ngoài da đặc trị thì sẽ giảm ngứa, chống trầy xước, giảm bội nhiễm nhưng cần gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.
Những người mắc các bệnh mà gây ngứa như: gan, thận, đái tháo đường... thì nên đi khám bệnh để được điều trị dứt điểm và có sự tư vấn tường tận của thầy thuốc cho người bệnh thì bệnh càng chóng lành và/hoặc hạn chế sự tái phát.
Phòng bệnh ra sao?
Phòng bằng cách loại trừ trước những nguyên nhân gây ngứa: diệt côn trùng, ăn ở sạch sẽ... Không nên tiếp xúc nhiều với thú vật nuôi. Trong những chuyến du lịch, nên mang theo thuốc bôi tránh côn trùng.
Quần áo, nhất là quần áo lót, bằng sợi tổng hợp là một nguy cơ tiềm tàng, tránh dùng nếu có thể. Giặt thật sạch các chất tẩy rửa và phơi nơi thoáng mát đầy đủ ánh nắng mặt trời.
Muốn đỡ ngứa do thời tiết nóng và khô, có thể chườm nước đá và dùng máy làm ẩm vào ban đêm.
Cố gắng không ăn uống những thực phẩm không thích ứng với cơ địa của mình để khỏi bị dị ứng. Tránh các đồ uống làm giãn mạch như cà phê, rượu, nước nóng...
Khi bị ngứa, không nên gãi, nhất là gãi làm xây xước da vì như vậy rất dễ nhiễm khuẩn.
Cho dù bị ngứa bởi bất kỳ nguyên nhân gì cũng nên tắm nhanh và tắm với nước lạnh hoặc ấm với rất ít hoặc không cần xà bông. Lau người nhẹ nhàng chứ không nên chà xát mạnh. Nhiều người bị ngứa có thể cảm thấy thích thú với một số loại kem dưỡng ẩm bôi ngay sau khi tắm.
Những loại kem này nên không có mùi và không màu vì những chất thêm vào để tạo mùi hoặc màu có thể gây kích ứng da và cuối cùng là gây ngứa. Móng tay nên được cắt ngắn, đặc biệt là ở trẻ em, để làm giảm nguy cơ trầy da do gãi. Bao phủ vùng da bị ảnh hưởng bởi những chất dịu, chẳng hạn như bạc hà, khuynh diệp, calamin.


Trị bệnh vẩy nến dễ đến không ngờ

Bệnh vẩy nến là bệnh rối loạn tự miễn dịch phát tác khi hệ miễn dịch phát đi tín hiệu không đúng làm thúc đẩy sự phát triển của các tế bào biểu bì.

1. Dưỡng ẩm
Bước đầu tiên để trị dứt bệnh vẩy nến đó là dưỡng ẩm cho da. Đặc biệt trong các tháng mùa đông lạnh, bạn cần giữ cho da có đủ độ ẩm cần thiết để giảm thiểu những nốt mẩn đỏ, ngứa cũng như khô da. Hãy làm bạn với những loại kem dưỡng ẩm không mùi phù hợp với làn da của bạn.
2. Tắm muối biển
Tắm với muối biển là cách tuyệt vời để thư giãn và dưỡng da. Ngoài ra, bột yến mạch cũng là một loại "sữa tắm" tự nhiên vô cùng hiệu quả để làm dịu làn da bị tấy rát của bạn. Một nghiên cứu gần đây đã cho thấy những người tắm với muối biển 10% khoảng 3-4 lần/tuần có thể cải thiện tình trạng nổi đỏ và ngứa rát một cách đáng kể. Không những vậy, tắm muối biển cũng hiệu quả tương tự với chứng mất ngủ, eczema và chứng viêm khớp.
3. Quả ô liu
Ăn quả ô liu tươi hoặc thoa dầu ô liu lên da là một cách tuyệt vời để "xử lí" bệnh vẩy nến. Dầu ô liu được biết đến như một chất dưỡng ẩm tự nhiên làm mềm mịn và dịu nhẹ với da. Quả ô liu và tinh chất dầu của nó giúp trị gàu, eczema, giảm nguy cơ mặc bệnh tim đồng thời còn giúp chữa trị các triệu chứng sau khi nhậu say. Vậy bạn còn chần chừ gì nữa?
4. Làm ẩm không khí
Dùng máy làm ẩm không khí là một giải pháp hữu hiệu nhất để tránh cho không khí trong ngôi nhà bạn không bị khô dẫn đến làn da bị mất độ ẩm tự nhiên. Không khí khô có thể làm tổn hại đến bất cứ loại da nào; đặc biệt với những người vốn có làn da khô sẽ rất dễ mắc bệnh vẩy nến. Vì vậy, hãy cân nhắc sắm một chiếc máy làm ẩm không khí bởi nó còn hiệu quả với những người bị bệnh khô mắt, làm giảm các triệu chứng cảm lạnh và cảm cúm cũng như tránh khô môi.
5. Tận hưởng ánh nắng mặt trời
Hãy ra ngoài và tận hưởng không khí tự nhiên cùng ánh nắng mặt trời sẽ giúp bạn lấy lại tâm trạng vui tươi đồng thời đó cũng là cách đơn giản nhất để trị bệnh vẩy nến. Tuy nhiên, bạn cần nhớ thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài. Hãy bắt đầu với 10 phút sau đó tăng dần thời gian lên 20-30 phút mỗi lần. Bạn nên cẩn thận khi ở quá lâu ngoài nắng sẽ làm da hư tổn và tư vấn ý kiến của bác sĩ bởi một số loại thuốc chống vẩy nến kích ứng với ánh nắng mặt trời.
6. Dấm táo
Dấm táo còn có công dụng bất ngờ trong việc giúp giảm các triệu chứng của bệnh vẩy nến. Do đó, bạn có thể ngâm các ngón tay và chân vào dấm táo hoặc tẩm bông với dung dịch dấm táo rồi thoa lên vùng da đó. Bạn có thể chuẩn bị dung dịch với công thức sau: 1 chén dấm táo với khoảng 3,8 lít nước, dùng một miếng vải sạch nhúng vào dung dịch và thoa đều lên da.
7. Màng nhựa bọc thực phẩm
Nghe có vẻ không mấy liên quan đến bệnh vẩy nến nhưng nhiều người đã thực hiện theo phương pháp này và hiệu quả khá khả quan. Sau khi thoa thuốc như thông thường, hãy dùng màng bọc thực phẩm cuốn kín vùng da đó lại. Việc này giúp thuốc dễ dàng thẩm thấu sâu vào da cũng như giữ cho vùng da đó được giữ ẩm tốt hơn.
8. Lô hội
Bạn có biết rằng cây lô hội có công dụng chữa bệnh vẩy nến hiệu quả không? Bạn có thể mua lá lô hội ở siêu thị hoặc cắt lá tươi ngay từ cây rồi thoa dịch đó lên da. Dịch lá lô hội thực sự là chất dưỡng ẩm hoàn toàn tự nhiên với tác dụng làm làn da khỏe mạnh hơn.


Bạn có nguy cơ bị u hắc tố?

Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ có thể gây u hắc tố theo Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ:

Ảnh minh họa
- Tiếp xúc nhiều với tia UV từ ánh sáng mặt trời
- Sử dụng thiết bị làm sậm da như giường thuộc da
- Bị cháy nắng nghiêm trọng, phỏng rộp
- Sống ở khu vực có ánh sáng mặt trời mạnh nhất
- Có tiền sử bản thân hoặc tiền sử gia đình bị ung thư da
- Có ≥ 50 nốt ruồi thông thường
- Có da nhạy cảm dễ bị cháy nắng


Chứng đau thần kinh sau zona, thuốc gì?

Điều trị đau thần kinh sau zona hiện nay vẫn còn khó khăn đối với các thuốc giảm đau chống viêm thông thường. Vì vậy, các thuốc chống trầm cảm 3 vòng và thuốc chống động kinh đã được sử dụng nhiều trong điều trị đau thần kinh sau zona và đạt hiệu quả tốt, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Thuốc chống trầm cảm ba vòng
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (tricyclic antidepressants) là nhóm thuốc tổng hợp có nhân thơm 3 vòng. Thuốc có 3 dạng là: dibenzazepin (imipramin), dibenzocyclohepten (amitriptylin) hoặc dibenzoxepin (doxepin). Thuốc có tác dụng chống trầm cảm, giải lo âu và được chỉ định chủ yếu trong chuyên ngành tâm thần, cho những người bị trầm cảm. Tuy nhiên, nhóm thuốc này còn có tác dụng giảm đau thần kinh nên được sử dụng trong điều trị đau thần kinh sau zona.
Amitriptylin có cơ chế tác dụng ức chế tái nhập các monoamin, serotonin và noradrenalin ở các neuron monoaminergic. Ngoài ra, amitriptylin còn có tác dụng kháng cholinergic ở cả thần kinh trung ương và ngoại biên.
Thuốc chống chỉ định cho người hồi phục sau nhồi máu cơ tim, suy tim sung huyết cấp, phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em dưới 12 tuổi. Cần tránh dùng kết hợp với các thuốc sau đây: kết hợp phenothiazin gây nguy cơ lên cơn động kinh; hormon sinh dục, thuốc tránh thai làm tăng tác dụng của amitriptylin; kết hợp thuốc chống đông làm tăng tác dụng của thuốc chống đông lên gấp 3 lần; kết hợp cimetidin có thể gây ngộ độc amitriptylin; kết hợp với thuốc hạ áp như clonidin, guanethidin, guanadrel làm giảm tác dụng hạ áp; kết hợp thuốc cường giao cảm có thể làm rối loạn huyết áp, loạn nhịp tim.
Tác dụng phụ hay gặp khi dùng amitriptylin là mệt mỏi, ngầy ngật, nhức đầu, ù tai, rối loạn nhịp tim, huyết áp, rối loạn tiêu hóa, nôn, buồn nôn, khô miệng, bí tiểu. Do các tác dụng phụ của thuốc nên sử dụng thuốc cần thận trọng ở người cao tuổi, cường giáp, bí tiểu, glaucom góc đóng, tăng nhãn áp, suy gan, suy thận. Thuốc có thể gây buồn ngủ, ngủ gà, nên tránh vận hành tàu xe khi dùng thuốc.
Thuốc chống động kinh
Trong điều trị đau thần kinh sau zona, thuốc chống động kinh cũng thường được dùng kết hợp điều trị đau. Gabapentin là thuốc chống co giật được chỉ định chủ yếu trong điều trị động kinh và đau thần kinh, trong đó có đau thần kinh sau zona. Tuy nhiên, cần thận trọng dùng trong các trường hợp: trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú. Đối với người già trên 65 tuổi, người suy thận phải giảm liều.
Dùng gabapentin có thể gặp các tác dụng phụ không mong muốn như buồn ngủ, chóng mặt, mất điều hòa, đau đầu, song thị, buồn nôn và/hoặc nôn, viêm mũi. Không dùng thuốc cho những người điều khiển máy, vận hành tàu xe.
Trong nhiều trường hợp đau thần kinh sau zona, các thuốc ở trên dùng đơn thuần không khống chế được cơn đau. Những trường hợp này cần phải kết hợp cả thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs), thuốc chống trầm cảm và thuốc chống co giật. Bên cạnh đó, sử dụng thêm thuốc an thần vào buổi tối giúp bệnh nhân dễ đi vào giấc ngủ. Một số biện pháp vật lý trị liệu cũng hỗ trợ tốt trong điều trị đau thần kinh sau zona như dùng điện xung, tần phổ, sóng siêu âm.


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons