Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Bệnh tổ đỉa

Tổ đỉa là một bệnh ngoài da có biểu hiện bằng mụn nước hay bóng nước nhỏ mọc ở bàn tay, bàn chân, đặc biệt ở mé bên các ngón tay, lòng bàn tay mặt bên và mặt dưới các ngón chân, lòng bàn chân và đặc biệt không bao giờ vượt lên mé trên cổ tay, cổ chân.

Các mụn nước này hình tròn kích thước khoảng 1 - 2 mm rải rác, hoặc xếp thành chùm ăn sâu trong da, làm cho bề mặt da nổi sần, sờ vào thấy chắc, cảm giác như có một hạt gì nằm xen trong da, và chúng có thể trở thành những bóng nước khá to nhất là ở lòng bàn tay, bàn chân.

Các mụn nước thường xẹp đi và khô chứ không tự vỡ ra, khi bong ra sẽ để lộ một nền da hồng, có hình cung hoặc tròn, có viền vẩy xung quanh. Hình ảnh thường gặp nhất của tổ đỉa không phải là mụn nước ở sâu mà chính là hình ảnh mặt bên của ngón tay, ngón chân hoặc bàn tay, bàn chân da bị tróc vảy vòng quanh như hình bản đồ.

Bệnh tổ đỉa thường hay tái phát, nguyên nhân gây bệnh còn phức tạp. Bệnh thường xảy ra trên người có cơ địa dị ứng; ánh sáng, sức nóng, nhiễm khuẩn và nhiễm nấm là các yếu tố tham gia gây bệnh.

Việc điều trị bệnh sẽ gồm điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân ; tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà có cách trị liệu thích hợp. Bệnh nhân bị tổ đỉa nên hạn chế dùng xà phòng.



Bị trứng cá - Bôi thuốc gì?

Trứng cá thường xuất hiện ở tuổi dậy thì. Bệnh thường nặng nhất ở tuổi 14 - 18 và sau đó đỡ dần.


Trứng cá là tình trạng viêm mạn tính nang lông tuyến bã, gây nên các nhân trứng cá đầu đen hay đầu trắng, có khi chỉ là các sẩn đỏ, mụn mủ... hay có ở mặt, lưng, ngực, vai. 

Một số trường hợp các mụn viêm to thành các bọc trứng cá, đôi khi để lại sẹo. Trứng cá thường xuất hiện ở tuổi dậy thì. Bệnh thường nặng nhất ở tuổi 14 - 18 và sau đó đỡ dần. Đa số bệnh nhân khỏi ở tuổi 25 - 30. Một số trường hợp gặp ở lứa tuổi hồi xuân (45 - 55 tuổi).

Các thuốc bôi tại chỗ

Đối với bệnh trứng cá thể nhẹ và vừa có thể dùng các loại thuốc bôi tại chỗ sau:

Vitamin A acid: Dạng cồn, dung dịch , gel hoặc kem có nồng độ 0,025 - 0,05%. Thuốc có tác dụng mạnh đối với trứng cá mỡ có nhân. Thời gian dùng khoảng 3 tháng.

Benzoyl peroxid: Dạng hỗn dịch, kem hoặc gel 5% - 10%, bôi ngày 1 lần vào buổi tối. Sau khi bôi 1 tuần không bị đỏ da, bong da thì bôi 2 lần/ngày. Thuốc có tác dụng làm mất đi các nút tắc ở cổ nang lông tuyến bã và làm giảm số lượng vi khuẩn gây trứng cá, thường dùng cho trứng cá sẩn mụn mủ.

Tretinoin: Dạng kem hoặc gel 0,025% bôi buổi tối. Thuốc cũng có tác dụng làm mất đi các nút tắc ở cổ nang lông tuyến bã. Do vậy chữa khỏi được các nhân trứng cá. Tuy nhiên thuốc có thể gây đỏ da, bong da và kích ứng da.
Các thuốc bôi kháng sinh như kem erythromycin 2%, dung dịch clindamycin 1%.  Bôi thuốc hàng ngày. Có thể dùng đơn độc hay phối hợp với các thuốc khác.

Mỡ salisilat 2-5%:Có tác dụng làm bạt sừng, bong vẩy… giải thoát sự tắc nghẽn ở nang lông, tuyến bã.

Phòng bệnh

- Cần giữ trạng thái thần kinh thăng bằng, tránh lo âu căng thẳng và điều quan trọng là phải ngủ được.

- Chăm sóc da mặt: Không rửa mặt bằng xà phòng (bất kể xà phòng gì cũng làm tăng tiết chất bã). Nên rửa mặt bằng nước sạch pha với nước chanh quả. Rửa mặt bằng tay sau dùng khăn thấm khô.  Nên thường xuyên xoa bóp da mặt  (lấy mũi làm trung tâm xoa từ sâu đến nông theo hình nan hoa xe đạp, từ mũi ra xung quanh)  nhằm cho nang lông tuyến bã không bị tắc, tăng cường vận mạch.

- Trong ăn uống, sinh hoạt: Hạn chế ăn các thức ăn kích thích hưng phấn như bia, rượu, cà phê, thuốc lá, hạt tiêu. Nên ăn nhiều rau, hoa quả để tránh táo bón. Luôn giữ môi trường sạch, thoáng mát…

Để máy lạnh không làm hại da!

Ngày nay, hầu hết mọi người làm công việc văn phòng đều cảm thấy thoải mái hơn khi hàng ngày được bao bọc trong không khí mát lạnh của các máy điều hòa nhiệt độ.

Ảnh minh họa
 
Phòng kín cửa, bớt ồn ào. Trong không gian mát mẻ và êm đềm đó, chúng ta không hề nghĩ mỗi ngày sức khoẻ đang chịu những tác động xấu. Môi trường kín khiến không khí luân chuyển chậm, nếu phòng đông người nguy cơ nhiễm các bệnh cơ hội từ môi trường càng cao. 
 
Bên cạnh đó, máy điều hoà khiến da mất nước nghiêm trọng, da khô và dễ bị lão hoá. Những ngày nắng nóng, nhân viên văn phòng ngại bước ra ngoài, mọi việc giải quyết chỉ xoay vòng quanh khu vực bàn làm việc, khiến cơ thể ít vận động là một trong những nguyên nhân dẫn đến các loại bệnh văn phòng như trĩ, khô mắt, dư cân…
Ngồi điều hòa trong thời gian dài cũng rất gây hại cho cơ thể
 
Tuy nhiên, để giữ cho mình một sức khoẻ tốt, một vóc dáng cân đối cũng không quá khó, bạn chỉ cần xem lại và thực hiện một vài bước đơn giản:

- Không mở máy điều hoà ngay buổi sáng mà hãy mở hết mọi cánh cửa trong căn phòng để không khí sau một đêm bị tù hãm được luân chuyển, đón luồng không khí mới trong vài phút sẽ giúp bạn có một tinh thần thoải mái và thư thái hơn.
 
- Nếu văn phòng chật, dùng một bình nhỏ xịt nước làm ẩm không khí trước khi bật máy điều hoà, vừa có tác dụng làm tăng độ ẩm, vừa khiến các hạt bụi nhỏ rơi xuống, giảm bớt độ ô nhiễm. Nếu có thể, nên đặt một vật trang trí nhỏ có nước như hồ cá gần máy lạnh, có tác dụng như một vật làm ẩm không khí suốt cả ngày.
 
- Hãy tìm mọi cách để vận động, đừng thụ động giải quyết mọi công việc tại chỗ như qua bàn khác giao giấy tờ. Nếu có cầu thang hãy tận dụng như một hình thức vận động.
 
- Dùng kem chống nắng, dù ngồi trong văn phòng da bạn vẫn bị tấn công bởi các tia tử ngoại. Bảo vệ da không bao giờ là thừa.

- Da bạn cần đủ độ ẩm để duy trì trạng thái cân bằng, vì thế nếu không muốn dùng kem dưỡng ẩm, thỉnh thoảng hãy làm ẩm da với một khăn sạch hay dùng nước vỗ nhẹ lên da.
- Uống nước để mọi hoạt động cơ thể được quân bình. Nhiều bạn rất lười uống nước vì ngại sử dụng nhà vệ sinh nhưng như vậy chỉ khiến tình hình của bạn thêm tồi tệ mà thôi. Tuy nhiên, nên phân biệt giữa việc uống nước giải độc tố với việc cung cấp nước làm ẩm da. Trong ngày làm việc ít nhất hai lần bạn nên uống một ly đầy nước. Các lần còn lại, bạn có thể uống từng ngụm nhỏ để duy trì lượng nước cần thiết.
- Điều cuối cùng, hãy dành từ 15 đến 30’ mỗi ngày tại phòng tập hay khiêu vũ, tinh thần bạn luôn thoải mái trong một cơ thể năng động.


Bệnh lang ben có lây không?

Bệnh lang ben do loại nấm Malassezia furfur gây nên. Bệnh lây nhiễm từ người này sang người khác trực tiếp hoặc gián tiếp qua khăn lau, giường chiếu...Bệnh lây mạnh khi có các điều kiện thuận lợi như đổ mồ hôi nhiều nhất là mùa hè nắng nóng lao động nặng như các bạn làm công nhân xây dựng…Bệnh còn có yếu tố di truyền tức là cha mẹ bị bệnh thì con cái cũng dễ bị bệnh. 

Tổn thương chủ yếu ở nửa người phía trên như mặt, cổ, lưng, ngực...; hiếm gặp ở đùi và cẳng chân. Vùng da bị bệnh đổi màu trắng, hồng, vàng hoặc nâu phụ thuộc vào sắc tố da, sự tiếp xúc ánh sáng mặt trời và mức độ bệnh. Tổn thương trên da thường xếp thành từng đám, có vảy. Xét nghiệm bằng cách soi trực tiếp vảy da trong dung dịch KOH 20% hay xanh methylen sẽ thấy những tế bào nấm men tròn.

Điều trị bệnh nấm lang ben thường dùng dung dịch BSI, ASA 1% hoặc 2% bôi lên chỗ da bị tổn thương, kết hợp bôi mỡ benzosali trong thời gian từ 2 - 3 tuần. Trường hợp nặng, có thể uống ketoconazol hoặc itraconazol từ 5 - 10 ngày. Bạn nên đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.      



Bệnh giời leo ở người cao tuổi

Bệnh giời leo khi gặp ở người cao tuổi nếu điều trị không tốt sẽ có nguy cơ gây đau dây thần kinh sau khi đã khỏi bệnh một thời gian.

Ảnh minh họa

Tác nhân gây bệnh
 
Có hai loại bệnh ngoài da mà căn nguyên gây nên bệnh do một loài virus gây ra đó là bệnh giời leo (bệnh Zona) và bệnh thủy đậu.
 
Virus gây nên 2 bệnh này là loại virus Varicella zoster. Niêm mạc đường hô hấp, màng tiếp hợp mắt là nơi mà virus Varicella zoster xâm nhập vào cơ thể. Virus vào hệ tuần hoàn gây nhiễm trùng huyết rồi khu trú ở một số nội tạng như: gan, lách… Từ các cơ quan này, virus đi đến da và phát triển nhân lên trong vòng khoảng 2 tuần lễ (thời kỳ nung bệnh) thì xuất hiện các mụn nước (Thủy đậu).
 
Các mụn nước này không điều trị gì cũng tự khỏi trong vòng 2 tuần. Nhưng điều bất lợi là virus này sẽ đi vào hệ thần kinh và khu trú ở hạch thần kinh giao cảm trong suốt quá trình sống của cơ thể. Khi nào cơ thể có sức đề kháng giảm sút vì một lý do nào đó thì virus Zoster lại trỗi dậy và gây bệnh giời leo (bệnh Zona). Hầu hết người bị bệnh giời leo có tiền sử bị bệnh thủy đậu hoặc đã từng bị bệnh giời leo trước đó.
Hậu quả của bệnh
Bệnh thường gây ra ở một nửa cùng bên của cơ thể không vượt qua đường giữa, ví dụ như 1/2 mặt, 1/2 lưng... Một số trường hợp đặc biệt có thể có ở 2 bên do bệnh tái phát, có nghĩa là lần trước bị bên phải lần này bị bên trái nhưng tái phát thêm bên phải hoặc do cấu tạo giải phẫu của đường nối thần kinh từ bên này chạy sang bên kia.
 
Bệnh giời leo lúc khởi phát rất đau, rát như bị bỏng nơi vùng da sắp xuất hiện dấu hiệu của bệnh giời leo. Sau vài ngày tại vị trí đau, rát sẽ xuất hiện mụn nước to nhỏ khác nhau (đường kính mụn nước khoảng từ 1-2mm) mọc thành từng đám trên nền da sưng tấy, đỏ. Mụn nước lúc đầu là dịch trong, sau đó là đục như nước vo gạo và lan rộng ra xung quanh có khi thành từng vệt dài, ngoằn nghoèo, nhưng không vượt sang bên kia thân thể.
 
Các mụn nước tồn tại vài ba ngày rồi khô, đóng vảy và khỏi. Trong trường hợp bị bội nhiễm vi khuẩn thì các mụn nước này tồn tại lâu hơn và có thể có mủ, phải dùng đến kháng sinh để điều trị. Khi khỏi thường không có sẹo hoặc có sẹo nông, khi có bội nhiễm vi khuẩn sẹo sẽ sâu hơn.
 
Sau khi khỏi, người bệnh có thể còn đau nhẹ vài ngày. Tuy vậy, ở người cao tuổi do sức đề kháng suy giảm, cho nên sau khi mắc bệnh giời leo tuy vùng da ở nơi bị giời leo đã khỏi nhưng dây thần kinh giao cảm vẫn viêm nên vẫn gây đau nhức từng cơn. Đau nhức thần kinh giao cảm do bệnh giời leo ở người cao tuổi có thể tồn tại khoảng từ 1-6 tháng, đôi khi kéo dài 2-3 năm hoặc lâu hơn. Cơn đau thần kinh giao cảm sau giời leo có tính chất là đau, rát có khi âm ỉ nhưng có khi dữ dội từng cơn.
 
Có người bệnh khi đau kèm theo giật, cứ khoảng 20-30 phút lại có cơn đau kèm giật. Cơn giật kéo dài khoảng vài ba phút, có khi lâu hơn làm cho bệnh nhân mệt mỏi, ngủ không yên, mất ngủ. Đôi khi sờ vào hoặc vận động thì đau lại tăng lên. Đau dây thần kinh sau giời leo ở người cao tuổi còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhưng chủ yếu vào lứa tuổi: tuổi càng cao thì thời gian đau càng kéo dài.
 
Bên cạnh đó còn tùy thuộc vào vị trí thần kinh giao cảm bị viêm, đau nhiều nhất là vùng mặt nơi có thần kinh tam thoa. Tại mặt nếu bị bệnh giời leo thường gây nguy hiểm hơn như tê liệt mặt, liệt dây thần kinh gây méo mặt, méo miệng, viêm giác mạc, kết mạc mắt và nguy hiểm hơn là có thể gây mù lòa.
Khi bị bệnh giời leo nên làm gì?
Cần đi khám bệnh ở khoa da liễu càng sớm càng tốt không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình và tự mua thuốc điều trị, nhất là giời leo ở gần mắt.
 
Giai đoạn đầu của bệnh, người bệnh không nên lo lắng hốt hoảng làm bệnh tăng lên. Tuy vậy, cũng không nên chủ quan cho là bệnh giời leo không nguy hiểm nên không cần đi khám, không cần điều trị gì.
 
Đau thần kinh sau giời leo lúc này không thuộc bệnh về da mà thuộc về bệnh của chuyên khoa thần kinh, vì vậy cần đến khám ở các chuyên khoa thần kinh để được điều trị.
Trong khi chưa thể đi khám bệnh được cần giữ gìn cho da sạch sẽ để tránh bội nhiễm vi khuẩn, nên dùng nước muối nhạt (nước muối sinh lý là tốt nhất) để rửa vùng da bị bệnh giời leo.
 

Người già dễ mắc bệnh da

Càng về già, da càng mỏng, lỏng lẻo, nhăn nheo, mất độ đàn hồi, giảm khả năng bảo vệ khỏi những thương tổn và lành vết thương chậm hơn.

Nguyên nhân là do chất nền dưới da bao gồm sợi tạo keo, sợi liên kết bị thoái hóa cùng chức năng tuyến bã và tuyến mồ hôi bị suy giảm. Điều đó dẫn đến có khuynh hướng loét da do nằm lâu hoặc tăng nguy cơ ung thư da.
Ngoài ra, do tác động lâu ngày của ánh nắng mặt trời, hóa chất, các bệnh toàn thân và sức đề kháng suy yếu ở người già cũng dễ dẫn đến màu sắc da thay đổi, mạch máu nhỏ bị vỡ gây xuất huyết trên da, mạch máu tắc nghẽn làm thiếu máu nuôi dưỡng, ngứa, các loại u bướu… Vì những lý do đó nên người già rất dễ gặp các bệnh về da như khô da, ngứa tuổi già, dày sừng da, mạch máu ở da, sừng hóa da, bệnh zona…

Khô da là vì loạn năng của lớp sừng ở da do lão hóa. Bệnh có thể nặng lên bởi thời tiết lạnh, khô, tắm quá nhiều, tắm trong nước quá nóng, dùng xà bông hay chất tẩy rửa mạnh và bệnh có thể dẫn đến chàm hóa. 
Ngứa tuổi già là ngứa đơn thuần không do các bệnh toàn thân khác gây nên, ngứa gãi nhiều làm da bị trầy xước và có chỗ bị dày lên; khi rơi vào trường hợp này, bệnh nhân cần làm các xét nghiệm để chẩn đoán phân biệt về công thức máu, chức năng gan, thận, tuyến giáp hay các khối u ác tính...
Dày sừng da là tình trạng lành tính ở da thường xuất hiện ở bệnh nhân sau 50 tuổi; nguyên nhân do sự phì đại ở một số tế bào đáy ở thượng bì; vị trí thường gặp là toàn thân và mặt. Mạch máu ở da là những chấn thương nhỏ đến da làm vỡ các mạch máu nhỏ và hình thành các ban xuất huyết. Những mạch máu này có collagen suy yếu thường gặp ở phụ nữ hay những người có da phơi nắng lâu ngày. Các ban xuất huyết sẽ tự phân giải và dần mờ sau 2-3 tuần. Vị trí thường xảy ra tình trạng mạch máu ở da là ở mặt duỗi của tay và chân.

Sừng hóa da là do ánh nắng mặt trời và ung thư da. Đó là tình trạng xảy ra sau khi phơi nắng lâu ngày mà ở độ tuổi sau 65, thường gặp ở những người da trắng. Biểu hiện của bệnh là da teo, tróc vảy, nâu đỏ, xám và đôi khi dãn các mao mạch. Những sang thương này lâu ngày không chữa trị sẽ dẫn đến ung thư tế bào gai.
Bệnh zona là bệnh do virus herpes zoster gây ra. Hơn 2/3 trường hợp bệnh zona xảy ra khi chúng ta qua tuổi 50 do sức đề kháng suy giảm, virus sống tiềm ẩn trong hạch tủy sống di chuyển ra ngoài da và gây bệnh. Biểu hiện của bệnh này là da nổi nhiều mụn nước, bóng nước thành từng chùm xảy ra ở một phần bên trái hay phải của cơ thể kèm theo triệu chứng đau nhức dữ dội.
Bệnh thường lành sau 2 tuần nhưng để lại di chứng đau sau zona. Tĩnh mạch chân người già thường hay bị suy, do đó máu trở về tim khó và ứ đọng lại ở cẳng chân, gây loét cẳng chân. Do đó, bệnh nhân cần được chăm sóc tốt để tránh nhiễm trùng và khi nằm ngủ nên kê chân cao.
Nói chung, biểu hiện trên da người già rất đa dạng, có thể hoàn toàn lành tính hoặc biểu hiện của một bệnh nền trong cơ thể, cũng có thể là ác tính. Do đó, khi có bất thường nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chữa trị kịp thời.


Chữa loét da ở người già: chớ qua loa

Người cao tuổi thường mắc nhiều chứng bệnh phải nằm lâu, cùng với tình trạng tiêu tiểu không tự chủ rất dễ gây loét da nhất là vùng xương cụt.

Trường hợp nặng có thể loét tới xương và nhiễm trùng máu rất nguy hiểm. Do vậy, sự quan tâm của gia đình giúp người già phòng ngừa loét là rất quan trọng.
 
Như chúng ta đều biết, cơ thể được một lớp da bao bọc bên ngoài để bảo vệ, giúp chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, nếu không được chăm sóc ngay từ đầu thì từ một vết loét nhỏ sẽ dẫn đến một vết thương có mủ, rất lâu lành gây đau đớn, nhất là đối với người cao tuổi khi sức đề kháng giảm khiến việc điều trị càng khó hơn.
 
Những dấu hiệu khi xuất hiện loét
 
Loét dễ xuất hiện vào mùa nóng, do tiết mồ hôi nhiều, sự ẩm ướt của việc tiểu tiện đối với những bệnh nhân tiểu tiện không tự chủ, nằm lâu trên một mặt phẳng cứng, hoặc không thể tự xoay trở thường xuyên như bệnh nhân bị liệt, bệnh nhân hôn mê do chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não…
 
Vùng da thường tiếp xúc với mặt giường nhiều lúc đầu sẽ không đau hoặc đau ít, sau đó dần dần đỏ lên, vài ngày sau sẽ giống như một vết phỏng, có những mụn nước bao bọc, nếu không được chăm sóc cẩn thận rất dễ bị vỡ, có màu đỏ bầm và sau đó đen lại do hoại tử tổ chức phần mềm, khi sờ sẽ thấy lạnh.
 
Do đó khi xuất hiện vết loét cần phải được chăm sóc để ngăn chặn sự lan rộng, vết loét càng sâu thì càng dễ nhiễm trùng dẫn đến việc điều trị lâu hơn, gây thêm đau đớn cho bệnh nhân.
 
Vùng da nào dễ loét nhất?
 
Bệnh nhân nằm bất cứ tư thế nào cũng rất dễ gây ra loét ở những nơi mà xương nhô lên, có lớp cơ và da bao bọc quá ít.
 
Tư thế nằm ngửa: dễ loét là vùng sau ót, vùng xương cùng, hai bên xương bả vai, hai cùi chỏ, hai gót chân.
 
Tư thế nằm nghiêng: nghiêng về phía nào thì bên đó trực tiếp bị ảnh hưởng: vùng thái dương, phía ngoài và trong đầu gối, mắt cá ngoài.
 
Tư thế ngồi: ảnh hưởng đến phần xương nhô ra khi ngồi mà y học gọi là ụ ngồi xương chẩm.
 
Cơ thể của người cao tuổi do tiêu hoá kém, hấp thu dinh dưỡng chậm, sức đề kháng kém nên vết loét rất lâu lành. Vì vậy cho dù chỉ là một vết loét nhỏ, chúng ta cũng phải chăm sóc chu đáo, vì nếu để vết loét càng sâu rộng, sự xâm nhập của vi trùng ngày càng phát triển, sẽ xuất hiện nhiều tế bào hoại tử dẫn đến bội nhiễm phải cắt lọc loại bỏ tế bào chết, bệnh nhân càng đau đớn.
 
Chăm sóc và xử trí bệnh nhân bị loét
 
Ngay khi có sự xuất hiện một vùng da nào đó bị đỏ, nên xoa bóp nhẹ nhàng vùng da đó để kích thích sự tuần hoàn máu, giữ vùng da đó luôn khô thoáng sạch sẽ. Phải vệ sinh sạch sẽ sau khi bệnh nhân tiểu tiện, nếu bệnh nhân là nam nên gắn bịch nilông ở bộ phận sinh dục, nếu là nữ nên lót giấy thấm hoặc dùng quần lót bằng giấy.
 
Ngoài ra vấn đề dinh dưỡng cũng rất quan trọng, cần dùng nhiều chất đạm, vitamin để tái tạo tế bào đã hoại tử, nâng thể trạng chống đỡ được bệnh tật đang mắc phải cùng với vết loét.
 
Điều trị vết loét cũng giống như điều trị một vết thương, cần thay băng và chăm sóc mỗi ngày, thường xuyên quan sát vết loét để tránh hiện tượng lan rộng.
 
Nếu muốn chăm sóc thay băng tại nhà, nên có một nhân viên y tế đến với dụng cụ đã được vô khuẩn; những vết loét có bề mặt lớn cần phải được bác sĩ thăm khám để được điều trị đúng, giúp vết thương mau lành hơn.
 
Ngoài ra, phơi nắng vùng da bị hoại tử vào buổi sáng có thể giúp vết thương mau lành.

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons