Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Nỗi ám ảnh mang tên vẩy nến

Tại Việt Nam, gần đây tỷ lệ bệnh nhân vẩy nến bị biến chứng đỏ da toàn thân có xu hướn tăng cao do điều trị không đúng cách, đặc biệt là lạm dụng thuốcvà các sản phẩm chứa Corticoids.
Noi am anh mang ten vay nen
Rước họa vì tự ý chữa bệnh
Chị Lê Thị Ngoan (Đồng Nai) đến phòng khám chuyên khoa da liễu của Trường ĐH Y Dược TPHCM trong tình trạng mệt mỏi, da toàn thân dày lên và đỏ rực. Chị trình bày với bác sĩ (BS): "Tôi trốn trong nhà, không dám gặp ai. Lúc nào cũng mặc quần áo che kín toàn thân và đeo khẩu trang. BS giúp tôi với!...".
Theo lời chị, ban đầu chỉ có một vài mảng đỏ, vẩy màu trắng xuất hiện trên phần cùi chỏ tay trái. Sau đó, thấy mảng đỏ này lan rộng dần, mất thẩm mỹ nên chị đến nhà thuốc. Người bán "phán" chị bị viêm da rồi kê cho một vài loại thuốc thoa và uống.
Dùng thuốc chỉ sau vài ngày, chị mừng khi thấy mảng đỏ giảm rất nhanh và hết hẳn. Sau khi ngừng uống thuốc một thời gian, đột nhiên mảng đỏ xuất hiện nhiều nơi trên cơ thể. Trở lại nhà thuốc, chị Ngoan được tư vấn phải tăng liều điều trị bằng việc chích thuốc. Tình trạng bệnh có phần thuyên giảm sau khi chích nhưng lại tiếp tục bùng phát khắp người khi ngưng thuốc. Hốt hoảng, chị tìm đến bệnh viện.
PGS.TS.BS Lê Ngọc Diệp, Trưởng phòng khám da liễu 2, Trường ĐH Y Dược TP.HCM kết luận: chị Ngoan bị bệnh vẩy nến. Bệnh đã chuyển sang giai đoạn biến chứng nặng.
Nguyên nhân biến chứng là do chị đã từng chích, uống thuốc có corticoids. Chất này ban đầu giúp bệnh thuyên giảm rất nhanh, nhưng lại là yếu tố kích thích bệnh bùng phát nhanh hơn, nặng hơn.
"BV Da liễu TPHCM cũng tiếp nhận rất nhiều ca bị biến chứng đỏ da toàn thân hoặc vẩy nến mủ toàn thân. Trước đó, người bệnh tự ý chữa bệnh bằng thuốc Nam, thuốc Bắc theo kiểu truyền miệng hoặc chữa trị ở những cơ sở y tế không chính thống", BS Trần Thế Viện, khoa Lâm sàng, BV Da Liễu TPHCM cho biết.
Các thể bệnh vẩy nến
Noi am anh mang ten vay nen
Đến nay, y học vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây bệnh vẩy nến. Nó được xem là một bệnh tự miễn (hệ miễn dịch tăng hoạt động và tấn công vào các tổ chức bình thường của cơ thể, chủ yếu là da) mạn tính. Theo nhiều nghiên cứu, ngoài yếu tố di truyền, bệnh còn bị thúc đẩy bởi yếu tố môi trường, chế độ sinh hoạt.
Cụ thể, theo thống kê có khoảng 30% người bệnh có thành viên trong gia đình bị vẩy nến. Bệnh thường khởi phát trên những bệnh nhân HIV; hoặc người bị nhiễm khuẩn tái phát nhiều lần (viêm họng do streptococcus), bị căng thẳng tâm thần kinh, thừa cân - béo phì, hút thuốc lá kéo dài, dùng một số thuốc tân dược trị bệnh tim mạch (thuốc ức chế bêta, ức chế men chuyển), dùng thuốc chống sốt rét, sử dụng liều cao và ngưng đột ngột chất corticoids…
Vẩy nến là bệnh hoàn toàn không lây nhưng có tính di truyền. Nếu cha hay mẹ bị vẩy nến, khoảng 10-15% con cái có thể bị vẩy nến; nếu cả cha và mẹ cùng bị vẩy nến, khoảng 40-50% con cái có thể bị vẩy nến.
Theo BS Trần Thế Viện, ở giai đoạn sớm, bệnh vẩy nến có những dấu hiệu là xuất hiện các mảng đỏ, dày, sần sùi, tróc vẩy. Vị trí xuất hiện thường ở da đầu giống như gầu; ở vùng tì đè như đầu gối, khuỷu tay; ở rìa chân tóc; nếp gấp bộ phận sinh dục, xương cùng-cụt, móng tay-chân…
Trên bề mặt những mảng đỏ có vẩy màu trắng bạc xếp thành lớp dễ bong tróc, khi cạo, những mảng vẩy này tróc ra thành phiến mỏng và có cảm giác như cạo vào thân đèn cầy nên có tên là vẩy nến
Đặc tính chung của bệnh vẩy nến là không thể chữa khỏi hoàn toàn và rất dễ tái phát. Bệnh có nhiều thể, mỗi thể có những đặc tính riêng và mức độ ảnh hưởng cũng khác nhau.
Chiếm đa số là thể vẩy nến mảng, 80-90% trong các thể vẩy nến. Đây là thể nhẹ nhất với những biểu hiện như đã kể ở trên. Thể này chủ yếu gây mất thẩm mỹ chứ không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe người bệnh.
Chiếm tỷ lệ ít hơn (khoảng 10-30%) là thể vẩy nến khớp. Bệnh có biểu hiện trên da như vẩy nến mảng nhưng kết hợp thêm tổn thương ở khớp. Tình trạng viêm khớp có thể xuất hiện đồng thời với vẩy nến nhưng có thể xuất hiện từ rất sớm hoặc sau đó.

Tình trạng viêm khớp có những dấu hiệu sớm là các móng tay hoặc chân bị tách khỏi da đồng thời một vài móng, khớp nối đốt ngón tay/chân sẽ sưng tấy và đỏ. Nếu không được điều trị sớm, các móng tay/chân dày sừng lên, các khớp ngón tay/chân bị co cứng, không thể co duỗi; người bệnh sẽ mất khả năng lao động.

Không thường gặp là thể vẩy nến mủ, biểu hiện trên da cũng là những mảng vẩy nến nhưng ngay trên đó còn xuất hiện những nốt mủ, cộng thêm triệu chứng sốt. Nốt mủ được đùn lên từ dưới da chứ không do nhiễm trùng từ bên ngoài.

Thông thường, nốt mủ sẽ xuất hiện từ ít và lan rộng song có khá nhiều trường hợp nốt mủ xuất hiện ồ ạt, trên diện rộng. Điều này tùy thuộc vào hệ miễn dịch của người bệnh, rất khó để đoán trước. Nếu chỉ nhìn thông thường, biểu hiện của vẩy nến mủ sẽ rất dễ bị nhầm với bệnh nhiễm trùng.

Do vậy, đa phần người bệnh sẽ được đưa vào cấp cứu ở các cơ sở y tế và điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, bệnh không thuyên giảm, ngày càng tăng nặng vì bệnh vẩy nến không thể điều trị bằng kháng sinh mà phải được điều trị bằng thuốc chuyên khoa da liễu.

Một thể khác hiếm gặp hơn là vẩy nến giọt với những tổn thương như giọt nước. Bệnh xuất hiện khi cơ thể nhiễm trùng.

Ngoài ra, những người bệnh vẩy nến cũng thường mắc phải một số bệnh hệ thống khác như viêm gan với biểu hiện tăng men gan, hay bệnh suy thận, trầm cảm…

Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, bệnh vẩy nến sẽ gây biến chứng là đỏ da toàn thân, tổn thương da đến 90% diện tích cơ thể với biểu hiện da dày lên, sần đỏ và bong vẩy. Người bệnh sẽ phải nhập viện điều trị, chịu những tổn thương nặng nề về mặt tâm lý.

Cần được điều trị sớm và đúng cách

Nếu được điều trị sớm và đúng cách, khi vừa xuất hiện những mảng đỏ ở một vùng cụ thể, hiệu quả có thể đạt gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, không ai có thể bảo đảm sau đó bệnh không tái phát. Việc điều trị đúng giúp kiểm soát được bệnh và hạn chế tái phát.

BS Trần Thế Viện cho biết: "Bệnh sẽ trở nặng khi có những yếu tố thuận lợi như căng thẳng, rối loạn tâm lý và nhiễm trùng/nhiễm siêu vi. Một số loại thuốc cũng làm tình trạng bệnh xấu hơn bao gồm lithium, thuốc kháng sốt rét tổng hợp (hydroxychloroquine), vài loại thuốc hạ áp (như ức chế bêta, ức chế men chuyển), vài loại kháng viêm non-steroid (như ibuprofen).

Ngoài ra, uống bia rượu và hút thuốc lá là những yếu tố làm chậm lành bệnh; kích thích cơ học (cào gãi, chà xát, gỡ vẩy) làm những thương tổn phát triển nhiều hơn".

Hiện có nhiều phương pháp điều trị bệnh vẩy nến như: thoa, chiếu tia, uống, tiêm thuốc sinh học… Có thể dùng riêng rẽ từng phương pháp hoặc kết hợp các phương pháp điều trị lại với nhau, song hiện vẫn chưa có một phác đồ điều trị tối ưu nhất cho bệnh này.

Với mỗi bệnh nhân khác nhau, BS sẽ có phương pháp cụ thể tùy vào mức độ trầm trọng của bệnh, vùng da bị ảnh hưởng, đáp ứng điều trị của từng bệnh nhân, bệnh lý đi kèm… Người bệnh vẩy nến vẫn có thể sinh con bình thường nhưng lưu ý, phụ nữ trong thời gian đang dùng thuốc điều trị vẩy nến không nên mang thai, do một số thuốc có thể sinh quái thai khi dùng.

BS Lê Ngọc Diệp cảnh báo thêm: “Điều quan trọng là bệnh nhân không nên tự mua thuốc uống, chữa theo truyền miệng, kiểu gia truyền hoặc đến những cơ sở điều trị không chính thống.

Đa phần những ca bị biến chứng đỏ da toàn thân hoặc mủ toàn thân đang điều trị nội trú tại BV Da liễu TPHCM đều do trước đó đã tự ý chích - uống thuốc có chứa corticoids hoặc chữa bệnh theo kiểu truyền miệng".


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons