Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Bệnh tật "ăn theo" triều cường

Cứ mỗi đợt triều cường, người dân TPHCM không chỉ khốn đốn trong sinh hoạt, buôn bán, mà còn dễ nhiễm các bệnh về da, sốt xuất huyết, tiêu chảy.

Bì bõm lội nước
Bà Bùi Thị Nghĩa (đường 36, phường Linh Đông, quận Thủ Đức) than thở, từ hơn tháng nay, gia đình luôn phải lội nước bì bõm vì triều cường gây ngập úng. Ghê sợ hơn là nước cống theo triều cường tràn vào nhà và nước từ nhà vệ sinh không rút được.
 
Bị ngâm nước bẩn nhiều nên bà đã bị bệnh nấm kẽ chân gần hai tuần nay. Đây cũng là bệnh phổ biến nhất của người dân thành phố trong những đợt triều cường, nhất là người dân hai phường Trường Thọ và Linh Đông ở quận Thủ Đức.
 
Anh Lê Bá Cần (đường số 2, phường Trường Thọ) lắc đầu ngán ngẩm: “Mỗi tháng, vùng này đều hứng chịu hai đợt ngập, mỗi đợt kéo dài cả 10 ngày nên cứ phải sống chung với nước bẩn”.
 
Người dân đang chống đỡ với triều cường. Ảnh: Ngô Đồng
 
Không chỉ gây ngập ở ngoại thành, triều cường còn tấn công khu vực nội thành. Những ngày này, người dân trên đường Bùi Hữu Nghĩa (Bình Thạnh) phải dùng bao cát, ván chắn trước cửa để chống đỡ với chiều cường.
 
Anh Nguyễn Văn Sự, chủ tiệm bán phụ tùng xe máy, cho biết toàn bộ vật dụng như tủ lạnh, máy giặt trong nhà anh phải kê lên cao gần 1m, nhưng cũng phải bó tay khi nước từ các lỗ cống thoát nước trong nhà chui lên. Thương nhất là hơn 3.000 học sinh của Trường tiểu học Lam Sơn và Trường THCS Lam Sơn 2, ngày hai lượt phải bì bõm lội nước đến trường.
Dễ mắc bệnh
Theo BS Võ Thị Bạch Sương, Giảng viên ĐH Y dược TPHCM, “hậu triều cường” là hàng đống rác rưởi, xác động vật thối rữa, cộng với nước cống, nước từ nhà vệ sinh tràn lên khiến người dân rất dễ mắc bệnh về da. Anh Lê Bá Cần (đường số 2, phường Trường Thọ) cũng cho hay, sau triều cường, nhiều bà con trong khu bị nước ăn chân, ghẻ lở hoặc bị nhiễm nấm, tiêu chảy.
Ngoài ra, triều cường cũng tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi và tấn công người dân. Chị Trần Hạnh Thủy (đường số 2, phườngTrường Thọ), chia sẻ, gia đình đã quen với cảnh “sống chung” cùng bệnh tật sau mỗi đợt triều cường, hai đứa con của chị đang còn học tiểu học đã nhiều lần nhập viện vì sốt xuất huyết.
Tại BV Da liễu TPHCM, những tháng triều cường dâng cao thì số người mắc các bệnh về da do môi trường nước nhiễm bẩn đến khám cũng gia tăng. Trung bình, mỗi ngày phòng khám của bệnh viện này tiếp nhận khoảng 100 ca mắc bệnh về da, chủ yếu là nấm kẽ chân, nấm bẹn, nấm thân do nhiễm trùng.
 
Hầu hết là các bệnh nhân đến từ các quận ngập nặng do mưa và triều cường như 6, 9, 12, Thủ Đức. Trong khi đó, tại hai bệnh viện Nhi Đồng và BV Bệnh Nhiệt đới, các ca sốt xuất huyết gia tăng hằng năm cũng đều rơi vào tháng 9, 10, 11 - những tháng có đợt triều cường cao và kéo dài.
Cách điều trị nhiễm nấm và ghẻ
Theo BS Võ Thị Bạch Sương, Giảng viên Đại học Y dược TPHCM, khi bị bệnh nhiễm trùng, nhiễm nấm kẽ chân, cần ngâm chân vào nước ấm với thuốc tím pha loãng ngay sau khi phải lội nước về nhà.
 
Khi có mủ, đau nhức, bệnh nhân nên uống kháng sinh, bôi các dung dịch màu như màu xanh Methylen, màu tím Gentian, màu đỏ Fuschin để sát khuẩn và khô mủ. Trong lúc chờ nước rút, bệnh nhân có thể bôi các thuốc kháng nấm, sau đó đi khám để được thầy thuốc cho toa phù hợp.
 
Nếu bị ghẻ vì nước thì sử dụng thuốc bôi diệt ghẻ. Phải thực hiện vệ sinh quần áo cá nhân và bôi thuốc đúng cách, thoa rộng toàn thân từ cổ trở xuống sau khi đã tắm sạch, đến chiều hôm sau mới tắm và thoa lại. Có nhiều hóa chất giúp diệt ghẻ. Rẻ tiền và thích hợp cho điều trị cộng đồng là thuốc Diethyl phtalate.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons